Quy hoạch làng cổ Đường Lâm

Quy hoạch làng cổ Đường Lâm: Tìm một quy hoạch bền vững

PGS.TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, đơn vị đang hỗ trợ xã Đường Lâm lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các làng cổ ở Đường Lâm nhận xét: “Khi chúng tôi khảo sát lập quy hoạch, người dân đều phản ánh họ không được lợi từ việc phát triển du lịch sau khi được công nhận là làng cổ. Nếu chỉ hô hào chung chung trong khi dân số tăng, không bố trí giãn dân thì khó có thể bảo tồn bền vững. Trong định hướng làm quy hoạch vùng 1 (vùng bảo tồn nguyên gốc) gồm 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm rộng khoảng 150 ha, chúng tôi đề xuất phải giãn dân khu vực này”.

Một góc đình làng Mông Phụ. Ảnh: Minh Đức -TTXVN


Bên cạnh việc có quy hoạch bảo tồn hệ thống cây xanh, cổ thụ; bảo tồn không gian và cảnh quan tổng thể, bảo tồn những không gian quan trọng; cần tập trung bảo tồn, cải tạo chỉnh trang và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa đời sống khác. Đặc biệt, trong dự án này, những nhà làm quy hoạch cũng đề cập khá kỹ việc bảo tồn nhà ở và ngôi nhà truyền thống theo cách phân loại từng nhóm nhà, bởi đây là hạt nhân quan trọng của các làng cổ ở Đường Lâm. Theo đó, nhóm nhà 1 là những ngôi nhà có giá trị hoàn chỉnh thì sẽ bảo tồn, tôn tạo hoàn chỉnh mô hình nhà ở của người nông dân, phục hồi các tiện nghi gia đình và dụng cụ sinh hoạt truyền thống. Còn với nhóm nhà loại 3 là những nhà xây dựng mới 2-3 tầng mái bê tông có ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực 1 thì giải pháp xử lý là tùy theo từng vị trí sẽ phá dỡ tầng 2 hoặc cải tạo lại mái.

Cũng trong dự án quy hoạch này, các nhà nghiên cứu và các tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng nhằm lưu giữ, bảo tồn cơ bản cấu trúc làng cổ như giữ nguyên hệ thống đường làng, ngõ xóm, các mối liên kết của làng cổ. Có thể thấy, đề án quy hoạch đã mở ra nhiều hướng bảo tồn từ không gian, cảnh quan, kiến trúc; các công trình di tích lịch sử, văn hóa; tạo sự gắn kết giữa các làng và những giá trị văn hóa, sinh hoạt cộng đồng...

Hiện đề án quy hoạch đã được trình UBND thành phố Hà Nội chờ phê duyệt, với mục tiêu để làng cổ Đường Lâm trở thành một bảo tàng di sản văn hóa sống động. Tuy nhiên, quy hoạch là một chuyện và tiến hành triển khai, thực hiện dựa trên quan điểm “can thiệp vào một quá trình đang tồn tại và phát triển” lại là một chuyện khác. Bà Dương Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Tại cuộc họp dân về vấn đề này, nhiều gia đình đông con đề xuất được cấp đất giãn dân. Trước đây, xã có phổ biến mỗi suất đất cả trăm triệu đồng, người dân chúng tôi chỉ làm ruộng thì lấy tiền đâu mà mua đất và xây nhà. Người dân giờ cũng có ý thức bảo vệ di sản nhưng phải có chính sách hỗ trợ đi kèm như cấp đất giãn dân để họ không chia đất để làm nhà cho con cái; hỗ trợ đào tạo nghề để người dân có thể sống bằng du lịch như tại Hội An…

Chính vì vậy, PGS.TS Phạm Hùng Cường cho rằng: Để làng cổ Đường Lâm được bảo tồn như một thực thể sống động với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, lối sống thì trước hết phải tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm sống. Nếu coi du lịch là hướng phát triển chính thì phải tạo ra các sản phẩm du lịch từ cộng đồng để người dân được hưởng lợi từ chính sự phát triển đó.

Người dân Đường Lâm đang mong đợi bản quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm với những quy định cụ thể việc quản lý, thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch… là cơ sở để việc bảo tồn đi vào thực tế cuộc sống.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN