Phong vị Tết ở Hoàng cung Huế

Ngày 22/1/2025 (23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng cây nêu tại di tích Triệu Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu bên trong Đại Nội Huế theo nghi thức truyền thống và tổ chức chương trình Phong vị Tết Huế thu hút đông đảo du khách tham gia, trải nghiệm.

Chú thích ảnh
Tái hiện không khí rộn ràng ngày Tết ở Cung Trường Sanh trong Đại Nội Huế.

Ngay từ sáng sớm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện các nghi lễ dựng cây nêu ở khu vực Triệu Tổ Miếu, nơi thờ các Chúa Nguyễn. Sau đó, đoàn rước cây nêu từ cửa Hiển Nhơn tiến về di tích Thế Tổ Miếu, nơi thờ các vị Vua nhà Nguyễn để cử hành tiếp nghi lễ dựng nêu.

Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, việc dựng cây nêu trong hoàng cung đánh dấu thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, các công việc hành chính trong nước sẽ dừng lại, người dân sẽ trang trí nhà cửa, dựng nêu trước nhà chuẩn bị đón Xuân mới. Cây tre được chọn làm nêu phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như dáng thẳng, thân dài, phần ngọn sum suê… Khi dựng, phần ngọn cây nêu được treo một chiếc ấn màu vàng, một hộp quà, một chiếc đèn lồng, một dải lụa đỏ có viết chữ Nho cầu chúc những điều may mắn trong năm mới.

Chú thích ảnh
Du khách xin chữ thư pháp, mong cầu một năm mới mạnh khỏe, bình an.

Tại Cung Trường Sanh, chương trình "Phong vị Tết Huế" gồm một loạt các hoạt động như viết thư pháp, biểu diễn ca Huế, thi gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt gừng, thưởng thức các loại bánh và trà cung đình Huế,… đã tạo ra nên một không khí Tết mang sắc màu truyền thống, gợi nhớ về hương sắc Tết xưa của vùng đất Cố đô.

Chú thích ảnh
Du khách thích thú tham gia trò chơi truyền thống ngày Tết ở Cung Trường Sanh trong Đại Nội Huế.

Đến với chương trình, du khách còn có dịp trải nghiệm nhiều trò chơi xưa, tiêu biểu như “Ðổ xăm hường” là trò chơi gieo con súc sắc (còn gọi hột xí ngầu) để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn và Trạng nguyên. Tên gọi của các quân cờ đã thể hiện cái nho nhã của trò chơi cũng như tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Từ thấp lên cao, ai dành được số thẻ có điểm cao nhất hoặc đổ được ngay thẻ Trạng Nguyên là thắng cuộc.

Chú thích ảnh
Hoạt động gói bánh chưng tại chương trình "Phong vị Tết Huế" ở Cung Trường Sanh trong Đại Nội Huế.

Ông Ted Kim, du khách Hàn Quốc chia sẻ: Đây là lần đầu tiên ông được tham dự chương trình phong vị Tết Huế với những món ăn truyền thống mang hương sắc của đất trời khi vào xuân. Tôi thật sự rất ấn tượng khi thấy được người Huế vẫn gìn giữ những nét đẹp truyền thống, mọi người dành nhiều tình cảm cho gia đình, người thân, bạn bè trong dịp Tết.

Chú thích ảnh
Du khách thích thú trải nghiệm luộc bánh chưng ngày Tết ở Cung Trường Sanh trong Đại Nội Huế.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chào đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, trong đêm Giao thừa tại Quảng trường Ngọ Môn Huế sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào năm mới và bắn 1.000 quả pháo hoa tầm cao. Ngoài ra, trong những ngày nghỉ Tết, các điểm di tích sẽ mở cửa đón du khách đến tham quan, du xuân với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Vài chục triệu đồng một cây hồng chơi Tết
Vài chục triệu đồng một cây hồng chơi Tết

Xu hướng trưng cây nguyên quả, nhất là hồng, được nhiều người chuộng vào dịp Tết năm nay, dù giá tăng cao vào thời điểm cận Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN