Phiêu cùng xòe Tây Bắc...

"Mường Lò gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về". Không chỉ có gạo trắng nước trong, Mường Lò (Yên Bái) còn níu chân du khách bằng những điệu xòe bất tận.


Ai đã một lần đến Tây Bắc, đặc biệt là đặt chân đến đất Mường Lò, mà chưa được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái, thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn.

Vào đây, xòe cùng em!

Anh bạn đồng nghiệp ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tha thiết mời: “Lên Mường Lò chơi đi, lên đi rồi tôi đưa đi múa xòe cùng các em, hay lắm”. Bán tín bán nghi về lời mời chào đầy hấp dẫn, nhóm hơn 10 người chúng tôi quyết định ngược Tây Bắc, lên vùng lòng chảo Mường Lò, nơi được coi là ngọn nguồn của người Thái Tây Bắc.

Đón chúng tôi ở bến xe, Thanh, anh bạn đồng nghiệp làm ở đài truyền thanh thị xã tuyên bố: “Không vào khách sạn nhé, tối nay tôi sẽ đưa mọi người đến ở nhà sàn, thưởng thức đặc sản của đồng bào Thái và giao lưu với nam, nữ thanh niên trong bản. Mọi người sẽ được thưởng thức một “đặc sản văn hóa” của đồng bào Thái ở đây, đó là múa xòe, đảm bảo mọi người sẽ mê ngay”.

Các cô gái Thái (Điện Biên) trong điệu múa xòe.


Nói rồi, anh gọi xe đưa cả nhóm chúng tôi lên nhà văn hóa xã Nghĩa An, nơi mà anh gọi là “khách sạn đặc biệt” ở Nghĩa Lộ. Để chúng tôi ngồi nghỉ ngơi, anh vội vã vào bản, để rồi vài phút sau, quay ra cùng mấy cô gái Thái rất trẻ, rất xinh và giới thiệu: “Đây là các em gái trong đội văn nghệ của bản. Tôi mời các em đến đây giao lưu cùng mọi người”.

Vậy là sau màn chào hỏi, giới thiệu giữa chủ và khách, những chén rượu được nâng lên, câu chuyện giữa chủ và khách cũng trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Khi những nỗi e ngại ban đầu, khi sự bẽn lẽn nhường chỗ cho sự tự nhiên, cho lòng chân thành, mến khách, cũng là lúc chủ - khách nắm tay nhau thành vòng tròn cùng múa điệu xòe hoa.


Mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn, chuyển động dần theo vòng quay, theo lời ca, tiếng hát tha thiết: “Đêm Mường Lò, trăng lên dần, vào đây anh, tay cầm tay múa xòe cùng em. Đêm Mường Lò, chiêng trống rộn ràng, rừng núi âm vang, vào đây anh múa xòe cùng em, xòe cùng em…”.

Vòng người chuyển động mạnh hơn, nắm chặt tay nhau theo điệu đơn, điệu kép, khi giãn ra xa, khi chụm lại gần đống lửa. Điệu xòe càng lúc càng say, vòng xòe càng ngày càng lớn bởi số người nhập vào ngày một đông. Không ai có thể cưỡng lại lời hát mời tha thiết và chân tình: “Đừng sợ say, đôi tay ngà, chén em dâng đầy. Dập dìu chân chàng í ới… noọng. Dập dìu chân em í…a…ới. Ta tan dần, trong vòng quay. Kìa hội vui, vào đây anh, đừng để em cô đơn một mình. Đêm Mường Lò, trăng dâng đầy, đôi tay ngà đón chờ người ơi…”.

Lời ca mỗi lúc một thêm da diết, tiếng hát càng du dương, mời gọi làm cho khách lạ bỗng thành quen, những người ban đầu còn ngại ngần nay cũng vui vẻ nắm tay nhau hòa mình cùng điệu dân vũ. Vòng tròn người nhịp nhàng tiến, nhịp nhàng lui, nhịp nhàng vỗ tay như sóng biển dâng, làm bừng sức sống cả một khoảng sân nhà sàn rộng lớn.

Ngọn nguồn những vòng xòe

Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ nổi, chỉ biết từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát: “Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi”.


Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái đất này có thể vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng, bởi "Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi...". Và với người Thái Tây Bắc, múa xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Theo lý giải của nghệ nhân Lò Văn Biến, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa đồng bào Thái Tây Bắc, thì do sống giữa thiên nhiên hùng vỹ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái Mường Lò lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng.

Những điệu xòe hình thành phát triển từ đó. Nhiều điệu nhảy trong múa xòe mô phỏng những bước đi của cha ông, khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… tất cả đều diễn tả sinh động thực tế cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.


Bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý…, vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng. Múa xòe trở thành sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái, không chỉ mang ý nghĩa khắc họa cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa..., những điệu múa xòe còn biểu hiện tình đoàn kết, những mong mỏi để con người xích lại gần nhau trong cuộc sống.

Địa điểm tổ chức múa xòe vòng có thể là ở sân nhà, trên sân khấu, dưới gốc cây hoặc trên sân bãi. Những người tham gia múa xòe tay trong tay, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Động tác xòe rất đơn giản, các bước đi của vòng xòe rất gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, nhưng từ xưa đến nay, xòe vòng của dân tộc Thái luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Múa xòe còn là yếu tố thúc đẩy lao động sản xuất phát triển.

Sau những ngày lao động vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng, khi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn vang lên mời gọi, người dân lại đến quây quần cùng nắm tay nhau quay vòng trong hội điệu xòe hoa.


Điệu xòe giúp con người quên đi những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, để rồi sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn. Tham gia múa xòe, các đôi trai gái cũng được gần nhau hơn, có dịp để thể hiện tình cảm riêng tư của mình…

Màn xoè kỷ lục tại Lai Châu. Ảnh: Xuân Trường - TTXVN.


Múa xòe Thái là một điệu múa tập thể vui nhộn, không phân biệt già trẻ, trai gái, tôn giáo, đẳng cấp. Mọi người đều có quyền vui và được phép nắm tay nhau nhảy múa. Người múa xòe đứng thành vòng tròn nắm tay nhau, thường thì nam, nữ đan xen.


Ít người thì một vòng nhỏ hẹp; nhiều người thì vòng lớn, nhiều hơn nữa thì vòng tròn kép: vòng lớn ngoài, vòng nhỏ trong. Nếu vòng đơn thì vòng xòe quay ngược chiều kim đồng hồ, nếu vòng xòe kép thì các vòng xòe quay ngược chiều nhau trông rất đẹp mắt. Trong văn hóa người Thái, múa xòe còn liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa, nên dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, múa xòe vẫn được các thế hệ nối tiếp lưu truyền.

6 điệu xòe cổ

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, vùng đất Mường Lò vốn là ngọn nguồn của người Thái Tây Bắc. Và nói tới xòe Thái, phải nói tới 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân coi là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” – nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” – tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay.

Nếu như với người miền xuôi, "miếng trầu là đầu câu chuyện" mỗi khi khách đến thăm nhà, thì với đồng bào người Thái, chén rượu được dùng để thể hiện lòng mến khách.


Bởi họ coi rượu là tinh túy của đất trời, mời rượu sẽ làm cho con người gần gũi với nhau hơn, chén rượu trở thành chén tình, chén nghĩa… Và để khách cảm nhận được tấm lòng trân trọng của mình, bao giờ người Thái Tây Bắc cũng trình diễn điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nghĩa là nâng khăn mời rượu - điệu múa đầy chất trữ tình.

Với “Phá xí” - xòe bổ bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Cho dù là ai, có đi bốn phương trời, mười phương đất, cho dù là anh em có lúc phải chia xa vì cuộc sống mưu sinh… nhưng tất cả vẫn luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về nguồn cội. Điệu xòe "Phá xí" đã diễn tả một cách sinh động nhất về tình đoàn kết, về nỗi lòng của mỗi người khi nhớ đến tổ tiên, nhớ về quê hương yêu dấu.

Trong cuộc sống, con người có lúc thành công, lúc thất bại, cuộc sống có lúc thuận buồm xuôi gió nhưng cũng có khi gặp trở ngại khó khăn. Điệu xòe “Đổn hôn” - tiến lùi như muốn khẳng định, dù đất trời có đổi thay, cuộc sống xoay vần thì ý chí và tình người vẫn luôn sắt son bền chặt.


Ở điệu xòe này, với bước đi nhún thẳng, lúc người này tiến người kia lùi, nhưng thế chân luôn kết hợp với sự uyển chuyển nhẹ nhàng của toàn bộ thân thể, giống như dù trước mọi bão giông trong cuộc sống, con người có lúc chao đảo nhưng vẫn gượng được, đứng vững và trụ lại.

Với cộng đồng người Thái, tình người luôn là giá trị bền vững kết nối mọi người. Bởi vậy, mỗi khi trong gia đình có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng một mùa màng bội thu… để thể hiện niềm vui vô bờ bến, người Thái lại cùng nhau múa điệu xòe “Nhôm khăn” (tung khăn). Đây là điệu xòe tưng bừng nhất, sôi nổi nhất. Điều đặc biệt của điệu xòe này là các vũ công múa cùng chiếc khăn Piêu choàng trên cổ, hai tay cầm hai đầu khăn, tung lên thể hiện niềm vui vô bờ bến.

Cuộc sống luôn chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, nhưng có lẽ những tình cảm mừng vui khi gặp mặt, khi gặt hái được những thành quả lớn lao trong cuộc sống, sự bịn rịn lúc chia tay... là nhiều hơn cả. Điệu “Ỏm lọm tốp mư” (vòng tròn vỗ tay) thể hiện niềm vui khi gặp được nhau, hay đạt được thành quả lớn lao trong cuộc sống... Vòng tròn còn đảo chiều trong điệu xòe này còn thể hiện khát vọng mong muốn một cuộc sống bình yên của con người.

Điệu xòe “Khắm khen” (nắm tay), một điệu múa mang tính sơ khai biểu lộ sự gắn kết của cộng đồng các dân tộc anh em. Ở điệu xòe này, mọi người nắm tay nhau nhảy múa vòng tròn quanh đống lửa, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẹn tròn theo quy luật tất yếu của cuộc sống.

Theo lời nghệ nhân Lò Văn Biến, không chỉ khác nhau về thế chân, thế tay, mà nhạc cụ dùng cho mỗi điệu xòe cũng khác nhau. Với những điệu “Khắm khăn mơi lẩu”, “Đổn hôn”, “Nhôm khăn”, “Phá xí”, các thế chân và tay uyển chuyển nhẹ nhàng nên nhạc cụ thường chỉ dùng khèn, với những giai điệu bay bổng, tình tứ. Còn với những điệu “Khắm khen”, “Ỏm lọm tốp mư” thì có thể dùng tất cả các nhạc cụ trừ pí, bởi những điệu xòe này thể hiện sự nồng say trong từng bước vũ.

Từ 6 điệu xòe cổ này, các nghệ nhân dân gian đã phát triển thành 36 điệu xòe mang bóng dáng các sinh hoạt thường ngày như “xe cúp” (múa nón), “xe tẳng chai” (múa chai), “xe kếp phắc” (hái rau), “xe cắp” (múa sạp), “xe tăng bẳng” (múa ống)... và còn nhiều điệu múa khác mang dáng dấp của những nét sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, các điệu xòe còn ẩn chứa ý nghĩa nhân sinh cao cả của cộng đồng người Thái miền Tây Bắc.

Ngày nay, xòe Thái Tây Bắc càng được nhiều người biết đến như tinh hoa văn hóa của người Thái. Cùng với thời gian, nghệ thuật múa xòe vẫn được người dân tộc Thái gìn giữ và trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa thường xuyên.


Để rồi, những du khách đã từng đến Mường Lò, khi ra về đều nhớ mãi những chén rượu thơm nồng, nhớ đôi bàn tay ấm áp của các cô gái Thái trong những điệu xòe hoa, nhớ những âm thanh trầm bổng lôi cuốn mọi người đến với vòng xòe và nhớ lời nhắn nhủ tha thiết của các thiếu nữ Thái khi chia tay: "Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang theo về xuôi".

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN