Phát triển các xuất bản phẩm điện tử theo cách tiếp cận mới

Theo các chuyên gia ngành xuất bản, việc ứng dụng công nghệ số vào ngành xuất bản là việc làm cần thiết để ngành chuyển đổi số hiệu quả. Tuy nhiên, ngành cũng cần thay đổi cách tiếp cận mới để tăng lượng độc giả trong tương lai và đẩy mạnh việc phát triển xuất bản phẩm điện tử.

Chú thích ảnh
Sáng 18/2, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, tiềm năng và tốc độ phát triển xuất bản phẩm điện tử tại TP Hồ Chí Minh khá nhanh, thống kê năm 2022, tốc độ tăng trưởng xuất bản phẩm điện tử của TP Hồ Chí Minh tăng 312% so với năm 2021, với 3.200 đầu sách, khoảng 4 triệu lượt người sử dụng xuất bản điện tử. Từ kết quả này cho thấy, xu hướng chuyển đổi số trong ngành xuất bản và việc thay đổi thói quen đọc sách của người dân từ sách truyền thống sang sách điện tử đang diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, thực tế việc  phát triển sách điện tử vẫn còn gặp khó khăn, rào cản do thiếu nhân lực và hạn chế về chính sách...

"Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành nhiều hơn với các công ty xuất bản, doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng công nghệ số trong việc xuất bản sách điện tử theo đúng định hướng của Nhà nước và phù hợp với xu thế phát triển chung. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty công nghệ, nhà xuất bản giao lưu với nhau nhiều hơn trong các sự kiện lớn của Thành phố để có những hợp tác cùng phát triển mảng sách điện tử. Về mặt kỹ thuật, Sở cam kết hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị muốn xây dựng hệ thống sách điện tử…", ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc phát triển các xuất bản phẩm điện tử hiện còn nhiều khó khăn, nguyên nhân liên quan đến vấn đề bản quyền, nhuật bút… Chưa kể cách tiếp cận của các nhà xuất bản với độc giả trên mạng còn hạn chế theo tư duy cũ, nghĩa là các nhà xuất bản vẫn còn tranh mua bản quyền và vẫn áp dụng số hóa theo cách truyền thống, chưa làm theo cái mới để thu hút độc giả, nhất là độc giả trẻ. Cái mới của sách điện tử hiện nay là cần phải hình thành thế hệ người viết mới, người viết này phục vụ cho độc giả đang dành nhiều thời gian vào việc dùng điện thoại đọc sách mỗi ngày. Đây cũng chính là hướng phát triển trong tương lai của ngành xuất bản phẩm điện tử.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra tác động mạnh mẽ đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Theo đó, thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, thị trường xuất bản phẩm điện tử nhìn chung phát triển chưa xứng với tiềm năng. Để khai thác hiệu quả của công nghệ số, tăng lượng bạn đọc, ngành xuất bản cần tìm thêm nhiều độc giả, cụ thể là độc giả trong các kho khách hàng của ngành ngân hàng và viễn thông. Bởi hai nền tảng của ngành ngân hàng, viễn thông có nhiều khách hàng với nhu cầu đọc sách điện tử cao, nguồn khách hàng này cũng là những người trẻ và đang sử dụng rất nhiều app công nghệ thanh toán mới.... Khi ngành xuất bản kết hợp với ngành ngân hàng, viễn thông còn giúp ngành xuất bản giảm bớt chi phí maketing và thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giới trẻ, từ đó gia tăng lượng khách hàng mới cho ngành xuất bản về lâu về dài…", ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT) được hiểu là các tài liệu được số hóa, được quét bằng các thiết bị kỹ thuật số hoặc được tạo bởi một thiết bị máy tính, tài liệu và được lưu trữ bằng các phương tiện điện tử, được tìm kiếm, khai thác sử dụng một cách dễ dàng dưới các dạng thức thông dụng như PDF, HTML hoặc TXT1. Hiện nay, XBPĐT có những ưu điểm vượt trội hơn so với các ấn phẩm in truyền thống. Khi được tối ưu hóa trên các thiết bị lưu trữ điện tử, các XBPĐT sẽ trở nên gọn nhẹ hơn rất nhiều so với sách in. Mỗi thiết bị đọc có thể chứa hàng nghìn cuốn sách giúp độc giả có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Không những thế, độc giả cũng có thể chủ động điều chỉnh phông chữ lớn, nhỏ tùy thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết (links) với những trang mạng để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chú trọng xuất bản các ấn phẩm chuyên sâu, chuyên ngành
Chú trọng xuất bản các ấn phẩm chuyên sâu, chuyên ngành

Cần nghiên cứu xây dựng, chuyển đổi mô hình các nhà xuất bản theo hướng hiện đại, chuyên sâu, chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN