Có một cựu Chủ tịch huyện khi nghỉ hưu trở về quê đã cùng mọi người dựng lại “chiếu chèo” xưa của làng một thời bị mai một, ông là Nguyễn Nhật Lai...
Tôi tìm về làng Đà Thôn trước ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để tìm hiểu thực hư: Có hay không có sự hồi sinh của một “chiếu chèo” làng. Thật may, đêm đó làng có diễn chèo để chào mừng ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (22-5-2011). Đêm diễn đã thu hút hàng ngàn người từ người già đến trẻ nhỏ. Các tiết mục chèo kinh điển được trích đoạn như: Thị Mầu lên chùa, Thúy Vân giả dại được người dân tấm tắc khen ngợi. Sau buổi biểu diễn, ông Lai nhận lời chia sẻ với chúng tôi; không phải vì: thấy người sang bắt quàng làm họ, mà bởi chúng tôi biết nhau từ lâu. Vào những năm 90 thập kỷ 20, ông Nguyễn Nhật Lai là Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà. Dáng người ông cao to, giọng nói trầm lắng, tính tình cởi mở dễ gần. Không những thế, ông còn là người thẳng thắn và gần gũi nông dân. Không biết có phải vì xuất thân từ con nhà nông hay bởi sự hiểu biết và nhận thức: “Người chèo thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân” mà ông Lai thường xuyên tiếp xúc gần gũi với nhân dân. Với giới văn nghệ sỹ của tỉnh, ông tỏ ra khá thân mật và thuộc nhiều thơ của các tác giả quê lúa. Có lẽ chính vì thế mà sau này ông trở thành tác giả “bất đắc dĩ” của Câu lạc bộ chèo làng.
Đầu năm 2000, ông về nghỉ hưu ở quê nhà tại làng Đà Thôn, xã Quỳnh Khê, Quỳnh Phụ (Thái Bình). Ông sửa sang lại nhà cửa ngay trên mảnh đất mà tổ tiên để lại nằm sâu trong ngõ hẻm của làng. Một khoảnh vườn rộng, cây xanh tỏa bóng mát; một ao cá nho nhỏ, một chiếc lán lợp tôn dựng cạnh ao để chiều chiều ông ngồi câu cá hoặc nhâm nhí tách cà phê cùng các cụ già và nhân dân trong làng. Ông Lai tâm sự với tôi: “Mình khoái chèo từ nhỏ, càng có tuổi càng mê chèo. Ngày trước chiếu chèo làng Đà được nhiều người biết đến vì có những kép đóng vai hề say, hề mồi có danh, có hạng... Do hoàn cảnh chiến tranh cùng nhiều nguyên nhân khác, mà mấy chục năm qua làng vắng bóng “chiếu chèo”. Nghỉ hưu về quê, mình bàn với các bác Nguyễn Minh Xuyền, Nguyễn Văn Nê (sỹ quan quân đội về hưu) cùng các cụ già khác, tiến hành vận động nhân dân “dựng” lại đội chèo để tiếp nối truyền thống văn hóa xưa của cha ông.
Một buổi biểu diễn của chiếu chèo làng Đà Thôn. |
Đến nay, đây là đội chèo làng duy nhất trong các xã ở huyện Quỳnh Phụ, với tên gọi chính thức là “Câu lạc bộ chèo làng Đà Thôn”, nhưng nhân dân vẫn gọi là “chiếu chèo” làng. Đội có 22 diễn viên ( trong đó có bốn nhạc công). “Diễn viên” nhiều tuổi nhất là cụ Bùi Văn Giả, 82 tuổi và cụ Trịnh Thị Mỹ, 78 tuổi, còn lại là trung niên và thanh niên. Chủ nhiệm Câu lạc bộ này là ông Bùi Đức Tạo, vốn là diễn viên Đoàn Cải lương Thái Bình nhưng lại “say” chèo hơn cả ca cải lương. Các ông Nguyễn Nhật Lai, Nguyễn Minh Xuyền và Nguyễn Văn Nê trở thành cố vấn cho đội. Không những thế ông Lai còn tham gia viết ca khúc, song tấu chèo cho câu lạc bộ. Các “diễn viên rực lửa” mê chèo này, mỗi tuần có ba tối tập luyện tại nhà ông Lai; Phòng Văn hóa huyện thường xuyên cử cán bộ về giúp đỡ xây dựng phong trào. Mọi người vất vả là vậy nhưng tiền trợ cấp hầu như không có. Ông Lai kể: Có lần chuẩn bị đến giờ biểu diễn, màn sắp mở, mọi người tất bật hóa trang nhưng vẫn thấy thiếu hai người trong đoàn, “ác thay” họ đều là “diễn viên chính” của đêm diễn. Ông Lai rất lo, vì sợ rằng không đủ “diễn viên” thì đêm diễn sẽ “đổ”. May thay đoàn vừa hóa trang xong thì hai người kịp đến. Sau đó tôi mới biết hóa ra hai “diễn viên” ấy bởi đi làm thuê cách nhà mấy chục cây số. Ngoài những buổi biểu diễn phục vụ trong xã nhân dịp lễ, Tết, ngày bầu cử, và lễ tiễn con em trong xã lên đường nhập ngũ… Câu lạc bộ chèo làng Đà Thôn còn được mời đi diễn ở nhiều xã trong huyện, tỉnh. Do mới thành lập, câu lạc bộ còn thiếu người, trang thiết bị như âm thanh, trang phục... cho nên chưa dựng được những vở chèo lớn.
Các tiết mục của câu lạc bộ thường là những hoạt cảnh, vở chèo ngắn, tổ khúc chèo và tốp ca, song ca, đơn ca… Những hoạt cảnh do câu lạc bộ sáng tác nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, đồng thời phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Nội dung của các tác phẩm này đều lấy chất liệu từ cuộc sống thực tế ngay trong làng, xã nên rất sống động, có tính tuyên truyền cao khiến người xem rất “khoái”. Những đêm diễn của câu lạc bộ bao giờ cũng đông nghịt người. Khi được hỏi kinh phí hoạt động và trang thiết bị lấy từ đâu, ông Lai bảo: Lúc đầu mình và bác Xuyền, bác Nê, cùng một số người khác bỏ tiền túi ra sắm quần áo, nhạc cụ, micrô… để câu lạc bộ tập luyện. Gần đây, một số con em trong làng đi làm ăn xa đã tài trợ thêm một phần kinh phí cho câu lạc bộ. Các “diễn viên” lên sân khấu đều diễn rất vô tư, diễn hết mình. Bà con tới xem cũng hết lòng ủng hộ câu lạc bộ; người mươi ngàn, người vài chục ngàn. Đêm diễn phục vụ bầu cử vừa rồi, bà con đã ủng hộ được gần 4 triệu đấy.
Khi tới thăm một số nhà của bà con trong làng, nhiều người nói với chúng tôi: Kể từ ngày câu lạc bộ chèo “hồi sinh”, làng như có thêm sức sống mới, đêm đêm dưới ánh trăng, bên lũy tre nghe tiếng hát chèo của người làng, những nhọc nhằn, lo toan cuộc sống của bà con cũng theo đó mà vợi dần đi, mọi người càng thấy thêm yêu quê, gắn bó với cuộc sống hơn. Ông Xuyền tâm sự: Thật là may làng tôi có những người tâm huyết với văn hóa của cha ông như ông Lai, ông Nê, ông, ông Tạo và nhiều bà con khác. Hy vọng trong tương lai không xa, với sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức xã hội, câu lạc bộ chèo Đà Thôn sẽ có đủ điều kiện để dựng được những vở chèo lớn mà bà con ưa thích.
Đặng Hùng