Nối dây cho cánh diều nghệ thuật bay cao - Bài cuối: Ý kiến người trong cuộc

Không chỉ những diễn viên, nghệ sĩ bức xúc về vấn đề này, mà bản thân những nhà làm quản lý cũng lên tiếng khá gay gắt về việc cần phải có một cơ chế lương riêng cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, một lĩnh vực mang tính đặc thù cao.

 

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Vương Duy Biên: Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm đến chế độ tiền lương


Tôi cũng từng là nghệ sĩ, nên tôi rất hiểu sự bức xúc này của những nghệ sĩ. Không hiểu vì lý do gì mà sự vô lý trong vấn đề chế độ lương của các nghệ sĩ lại tồn tại lâu đến như vậy. Đơn cử như việc nhiều diễn viên, nghệ sĩ, sau mấy chục năm phấn đấu từ diễn viên bình thường lên NSƯT, rồi NSND mà vẫn đang hưởng mức diễn viên hạng III. Như trường hợp NSND Lê Khanh ((Nhà hát Tuổi trẻ) là một ví dụ. Hay trường hợp của đạo diễn- NSND Lê Hùng, là đạo diễn nổi tiếng, có rất nhiều thành tích, huy chương vàng, thế nhưng đến bây giờ vẫn là đạo diễn hạng III.


Tuổi nghề của diễn viên xiếc ngắn, lại nguy hiểm, nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa thỏa đáng. Ảnh: Minh Đức - TTVXN

Tại sao chúng ta không tính đến việc là để phấn đấu lên NSƯT, NSND, nghệ sĩ cũng đã phải trải qua thời gian quy định bao nhiêu năm, bao nhiêu giải thưởng; vậy thì khi người nào đó đạt đến NSƯT thì tự động là đạt được một mức lương nào đó, và đến NSND thì đạt được một mức lương nào đó?


Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, và cũng mong muốn rằng sẽ sớm có ý kiến với Bộ Nội vụ, Chính phủ để tìm một cơ chế đặc thù để có thể được chuyển ngạch cho nghệ sĩ mà không phải qua thi cử, ít nhất là với những NSƯT, NSND hiện nay. Nếu có thi, thì chỉ là diễn viên hợp đồng thi vào công chức, viên chức; chứ như trường hợp những NSƯT, NSND đã mấy chục năm trong nghề thì liệu sẽ lập hội đồng nào để có thể chấm thi được? Nếu xây dựng được chế độ đặc biệt ấy thì sẽ cởi mở và tháo gỡ được rất nhiều cho sự thiệt thòi đã tồn tại trong bao năm nay của các nghệ sĩ. Đặc biệt sự điều chỉnh này cũng sẽ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với văn nghệ sĩ.


Theo tôi nghĩ, không chỉ là vấn đề thang bậc lương, chuyển ngạch, nâng ngạch, mà bản thân chế độ bồi dưỡng của nghệ sĩ cũng cần phải thay đổi, nó đã quá bất cập rồi. Hiện bộ đang xây dựng kế hoạch, cố gắng đề xuất sớm nhất để tháo gỡ bất cập này cho các nghệ sĩ.

 

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Phạm Xuân Quang: Những người hưởng lương thấp lại đang là chủ lực biểu diễn


Liên đoàn Xiếc VN có khoảng 80 diễn viên trẻ, chiếm 70% lực lượng nghệ sĩ của đơn vị, từ nhiều năm qua chỉ nhận khoảng 1,7 triệu đồng/tháng (lương cơ bản + tiền thanh sắc). Thật khó tin, một nghề lao động nghệ thuật đặc thù và nặng nhọc như xiếc mà nghệ sĩ trẻ chỉ được hưởng lương cơ bản như vậy, chỉ riêng việc duy trì cuộc sống hằng ngày đã là nan giải. Số người hưởng lương thấp này lại là lực lượng biểu diễn chủ đạo của đơn vị, còn hầu hết những nghệ sĩ trong biên chế thì đã không còn biểu diễn và được chuyển sang làm các công tác khác như: phòng nghệ thuật, công tác hành chính…


Theo Luật Lao động, sau khi sử dụng hợp đồng lao động thời điểm kết thúc trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, chúng tôi đành phải ký bỏ lửng mà không thể làm gì hơn khi không có định biên cho lực lượng nghệ sĩ trẻ này. Hiện nay, Liên đoàn Xiếc VN phải co kéo nuôi toàn bộ lực lượng diễn viên trẻ bằng ngân sách của đơn vị từ các nguồn thu khác. Số người không biểu diễn nhưng lại chưa tới tuổi nghỉ hưu được phân công công việc ở những phòng ban khác, thực lòng họ cũng không được vui lắm khi nhận công việc không đúng với khả năng và sở trường của mình…

 

Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương VN Nguyễn Thị Kim Dung: Cần bỏ xếp loại diễn viên theo phân hạng


Lương cơ bản của một diễn viên trẻ ở Nhà hát cải lương VN là 2 triệu đồng. Như vậy với số tiền khoảng 4 triệu đồng thì một cặp vợ chồng diễn viên không thể kham nổi cho chi phí của một gia đình với đủ các loại tiền: tiền ăn, tiền học cho con, tiền sinh hoạt... Mong Nhà nước xem xét, sửa đổi cách xếp lại ngạch viên chức đối với những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc theo hướng: Bỏ cách xếp loại theo kiểu phân hạng diễn viên hạng I, diễn viên hạng II, hạng III... chuyển sang xếp loại theo trình độ đào tạo chuyên môn và thống nhất với cách xếp loại của các ngạch.

 

Đại diện Sở VH,TT&DL Quảng Bình: Chuyển sang xếp loại theo trình độ đào tạo chuyên môn


Theo Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong khi các ngạch viên chức khác có đầy đủ các loại từ B đến A (A0, A1, A2, A3) tương đương với các trình độ đào tạo khác nhau (trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) thì ngạch “diễn viên” chỉ có hai loại là “diễn viên hạng III” (mã số ngạch 17.159) - viên chức loại B và “diễn viên hạng I” (mã số ngạch 17.157) - viên chức loại A3. Do cách xếp loại như trên nên chỉ có một số ít người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc được xếp hạng “diễn viên hạng một” còn tuyệt đại đa số được xếp loại “diễn viên hạng III”. Có một thực tế là mặc dù có trình độ đào tạo khác nhau (trung cấp, cao đẳng, đại học) nhưng khi được tuyển dụng vào ngạch diễn viên thì chỉ được xếp loại “diễn viên hạng III”), hưởng lương viên chức loại B. Mặt khác, cách phân loại này cũng không thống nhất với các ngạch viên chức khác. Trong khi các ngạch viên chức khác được kèm theo với từ “cao cấp”, “chính” (bác sĩ cao cấp, bác sĩ chính...) thì chỉ có ngạch diễn viên được xếp hạng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi cách xếp loại ngạch viên chức đối với những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc theo hướng: Bỏ cách xếp loại theo kiểu phân hạng, chuyển sang xếp loại theo trình độ đào tạo chuyên môn và thống nhất với cách xếp loại của các ngạch viên chức khác, ví dụ: Diễn viên cao cấp, diễn viên chính, diễn viên, diễn viên cao đẳng, diễn viên trung cấp. Có làm như vậy chúng ta mới động viên, khích lệ được những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


NHÓM PHÓNG VIÊN VĂN HÓA

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN