Sau gần một tuần huyền thoại âm nhạc của nhóm Bee Gees, Robin Gibb (ảnh) SN 1949, ra đi (20/5/2012), ngày nào tôi cũng nghe âm nhạc của Gibb và Bee Gees để tưởng nhớ về ông. Tôi nhớ những bản nhạc disco rất thịnh hành ở châu Âu, và ở Sophia nơi tôi sống ở đó gần 5 năm, như “Stayin Alive”, “Night Fever” và “Jive Talkin”. Và sau đó là 6 album solo của Robin từ 1970 tới 2006.
Tôi hình dung bộ ba nhà Gibb là: Robin, Maurice và Barry trên sân khấu âm nhạc với bên dưới là hàng ngàn người rung chuyển theo nhịp điệu của họ… Từ Brothers Gibb đến BGs và cuối cùng là Bee Gees cho dù có lúc anh em “tan tành” nhưng âm nhạc của họ thì vẫn còn nguyên đó với nỗi ám ảnh và quyến rũ mọi thời đại.
Lúc này đây, bên tai tôi, giai điệu của “Spicks and Specks” (từng lọt vào hàng top của Australia), rồi đến “New York Mining Disaster 1941” , một bản nhạc vô cùng được yêu thích và lan rộng khắp Vương quốc Anh, Hoa Kỳ. Không chỉ thành công với disco mà còn là pop ballads với “To Love Somebody”, “Massachusetts và Words” và “Horizontal and Idea”, “How Can You Mend a Broken Heart”, “Saturday Night Fever”, “Night Fever” và đặc biệt là “How Deep Is Your Love”…, bài nào của họ cũng làm “tan nát trái tim” của những người cùng thời với chúng tôi, cái thời đầy lãng mạn và hồn nhiên sôi nổi.
Nghĩ đến Gibb là nghĩ đến tài năng làm ra những album đoạt giải đĩa bạch kim của ông được bán ra khắp nơi trên thế giới, có khi lên tới 30 triệu bản.
Nghe nhạc của Bee Gees, nhớ gương mặt cùng phong cách biểu diễn của những con người tài hoa ấy, đặc biệt là nhớ đến Gibb. Nhớ cả sự kỳ dị của một nhạc sĩ- ca sĩ bỗng dưng lại đi làm “ông bản quyền”. Làm tới cương vị Chủ tịch CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời, một tổ chức tập hợp hơn 200 công ty, đại diện cho hơn3 triệu nhà sáng tác của 119 quốc gia. Nhận thấy tình trạng bất công xảy ra trong việc ứng xử với quyền tác giả, ông đã dấn thân vào lĩnh vực dường như khác hẳn với môi trường sáng tác quen thuộc. Ông dành cảm xúc và hiểu biết của mình cho luật pháp trong sự bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Chủ tịch 2 khóa. Khóa thứ 2 này còn đang dở dang. Đây là một lĩnh vực tốn công sức, thời gian và nhiều khi như là chiến đấu với cối xay gió, bởi thế gian còn quá nhiều những người không hiểu luật, không muốn hiểu và không muốn… phải trả tiền cho dù âm nhạc mà họ sử dụng mang lại không ít hiệu quả cho chính họ.
Còn nhớ cách đây 3 năm trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới về bản quyền giữa những đạo diễn, soạn giả, tác giả và chuyên gia về luật diễn ra trong hai ngày 9 và 10/6/2009 tại Washington, người ta đưa ra con số “Sao chép lậu trên Internet khiến Mỹ thiệt hại 25 tỉ đôla/năm”. Ở hội nghị đó có khoảng 500 đại biểu đến từ hơn 55 quốc gia do CISAC tổ chức, ông đã nói: “Môi trường dành cho ngành công nghiệp âm nhạc rõ ràng là không trong sạch… Với tư cách là chủ tịch, tôi muốn thu hút hơn nữa sự lưu ý về vấn đề bản quyền, để các nghệ sĩ có thể nhận được sự công bằng từ các sản phẩm trí tuệ của họ…”. Ở ta hình như tình hình cũng tương tự, chỉ khác ở con số nhỏ hơn vì là quốc gia nhỏ và quy mô dân số cũng nhỏ mà thôi.
Tình trạng đấu tranh với cối xay gió (không ít người lại cho rằng nhờ công nghệ mới, nhờ những người sử dụng tác phẩm mà nghệ sĩ nhanh nổi tiếng hơn) biết đâu chẳng làm cho bệnh của Gibb càng thêm nặng nề?
Nhớ đến đấy, tôi cứ tự hỏi tại sao người ta không nghĩ, để có được những tác phẩm như thế, ngoài tài năng trời ban người nghệ sĩ đã phải trải qua vô vàn những cực nhọc mà nghệ thuật đòi hỏi. Tại sao, lại có thể coi tài sản của nghệ sĩ là của… chùa như thế? Và cái đẹp của âm nhạc há chẳng giúp cho họ ngộ ra một sự công bằng?
Năm 2010, Robin phải trải qua cuộc phẫu thuật nghiêm trọng vì bệnh ung thư ruột khiến ông phải hoãn lại nhiều buổi diễn cùng chuyến lưu diễn tới Braxin. Tháng 11/2011, ông được chuẩn đoán là mắc bệnh ung thư gan.
Trong những năm cuối đời, Robin Gibb tham gia nhiều các dự án từ thiện. Ông sống cùng vợ hai là Dwina và con trai là Robin - John, người cùng ông viết tác phẩm “The Titanic Requiem” ra mắt hồi tháng 4 vừa qua.
Xin có vài dòng để tri ân những người như Gibb.
Nhớ Gibb không chỉ là nhớ đến những bản nhạc bất hủ, xúc động lòng người mà còn là những đóng góp to lớn của ông trong đấu tranh cho công bằng xã hội ở lĩnh vực quyền tác giả.
Trần Thị Trường