Đền nằm trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính Phủ công nhận năm 2016. Năm 2017 quần thể này được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tương truyền đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII) thờ An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Tại lễ khai hội Xuân Giáp Thìn năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Mạc Thị Huyền khẳng định, Đảng bộ và nhân dân thị xã Kinh Môn luôn nhận thức rằng sức bật mạnh mẽ của thị xã trẻ năng động, đổi mới ngày nay được bắt nguồn từ truyền thống lịch sử văn hiến của quê hương. Đó là nền tảng, động lực, nhân tốc quyết định cho Kinh Môn tiến lên cùng đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong ngày khai hội, thị xã Kinh Môn sẽ tổ chức thi kéo co nam nữ, bịt mắt bắt dê tại khu di tích đền Cao An Phụ. Trong tháng Giêng năm Giáp Thìn, Ban Tổ chức lễ hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho người dân và du khách như: thi vật, cờ tướng, giải bóng truyền hơi nam và nữ, giải cờ tướng mở rộng. Bên cạnh đó, thị xã Kinh Môn còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, vui chơi như: thi đấu cầu lông, bóng bàn và những trò chơi dân gian tại nhiều khu di tích trên địa bàn.
Kinh Môn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, từ lâu đã nổi tiếng là vùng “địa linh nhân kiệt”, trải qua bao thăng trầm lịch sử nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu.
Hiện trên địa bàn thị xã Kinh Môn có 202 di tích, trong đó có 1 quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt, 15 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc và nghệ thuật. Tiêu biểu như: Đền cao An Phụ, động Kính Chủ, đình Huề Trì, di tích khảo cố học Nhẫm Dương, hang động, chùa Hàm Long, động Tâm Long, hang Đốc Tít… và hàng trăm lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú góp phần tô đẹp thêm truyền thống văn hóa của quê hương anh hùng.
Địa phương cũng là nơi phát hiện và lưu giữ hàng nghìn hiện vật khảo cổ quan trọng như: Đồ gốm Việt - Hán từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III, hóa thạch răng người tìm thấy ở động Thánh hóa có niên đại cách ngày nay từ 3 đến 3,5 vạn năm, các loại tiền kim loại của Việt Nam và Trung Quốc từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XX, vật liệu kiến trúc và trang trí thời Trần, các hiện vật văn hóa thời Đông Sơn…
Năm 2023, UBND thị xã Kinh Môn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhân là Di sản thế giới; hoàn thiện xây dựng Nghệ thuật Chèo Đồng bằng Sông Hồng trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (trong đó có nghệ thuật Chèo tại Kinh Môn).
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, cứ mỗi dịp Xuân về, thị xã Kinh Môn lại tổ chức các hoạt động lễ hội để nhân dân và du khách được tham quan, chiêm bái các di tích lịch sử, lễ hội để thế hệ trẻ hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, bồi đắp niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc và truyền thống văn hiến của quê hương đất nước.