Nhạc sỹ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8/1928 tại xóm Nhì, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống nho học, ông lớn lên trong gia đình người chú ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Nhạc sỹ Văn Ký tham gia cách mạng từ năm 1943, khi mới 15 tuổi. Năm 1944, ông bị Pháp bắt, sau đó được chính quyền Nhật thả ra. Năm 1945, ông tham gia đấu tranh giành chính quyền tại huyện Nông Cống và năm 1946 được kết nạp Đảng. Đây cũng là năm ông viết ca khúc đầu tay của mình mang tên “Trăng xưa”. Sau đó ông được cử đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 tại Nghệ An. Sau khi được phân công công tác tại Bình Trị Thiên, ông đã cho ra đời hàng loạt ca khúc kháng chiến như: “Bình Trị Thiên quật khởi” (được giải thưởng của Hội Văn nghệ Liên khu 4), “Tình hậu phương”, “Chiến thắng hòa bình”…
Năm 1954, tại Đại hội văn công toàn quốc, Nhạc sỹ Văn Ký giành giải thưởng lớn với 2 nhạc cảnh “Dân công lên đường” và “Lúa thoái tô”. Từ năm 1955 đến 1957, ông tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, ông trở thành hội viên sáng lập; sau đó là Ủy viên ban chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam và Ủy viên thường vụ của hội từ năm 1963 (khóa 1 và 2).
Trong suốt sự nghiệp sáng tác, nhạc sỹ Văn Ký đã viết khoảng 400 ca khúc bao gồm cả ca kịch, nhạc múa, nhạc giao hưởng, nhạc phim… Trong đó có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích qua nhiều thế hệ như “Tây Nguyên bất khuất”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh”, “Hà Nội mùa xuân… Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Bài ca hy vọng” ra đời năm 1959, gắn với tên tuổi nhiều giọng ca nổi tiếng, như: Trung Kiên, Lê Dung, Quang Thọ, Ánh Tuyết… Ngoài ra, ông còn là tác giả vở ca kịch “Nhật ký sông Thương”, “Đảo xa”, ông còn viết nhạc cho các bộ phim như “Cô gái công trường”, “Trên vĩ tuyến 17”...
Với những đóng góp của mình, Nhạc sỹ Văn Ký đã được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng 3. Ông cũng được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.