Những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng được nghe những lời ca rộn ràng trong ca khúc “Như có Bác trong ngày vui Đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. 36 năm trôi qua kể từ mùa xuân năm 1975, nhưng khúc khải hoàn ca ấy vẫn vang mãi trong tâm trí của những người Việt Nam.
Tiếng reo vui từ trái tim
Nhạc sỹ Phạm Tuyên nhớ lại: Đầu tháng 4/1975, sức chiến đấu của quân Giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ngày càng mạnh mẽ. Ông Trầm Lâm, khi đó là Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi nhạc sỹ công tác, nói quân ta sắp có chiến thắng lớn nên huy động các nhạc sỹ sáng tác những nhạc phẩm hoành tráng để mừng chiến thắng. Nhạc sỹ đã phác thảo hẳn một hợp xướng gồm 4 chương hoành tráng (gồm Miền Bắc lũy thép, Miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy, Toàn thắng), nhưng phác thảo xong rồi để đó, vì bản thân ông vẫn cảm thấy bản hợp xướng này khô khan, thiếu một cái gì đó mà không lý giải được. Đến tối 28/4/1975, chương trình phát thanh lúc 21 giờ 30 phút đưa tin một phi công ngụy ném bom sân bay Tân Sơn Nhất (sau này ông mới biết người ném bom là Anh hùng Quân đội Nguyễn Thành Trung). Nghe tin ấy ông chợt nghĩ, quân ta vào đến Tân Sơn Nhất là đã vào đến Sài Gòn, chắc chắn giải phóng miền Nam chỉ còn là ngày một, ngày hai nữa thôi. Lúc bấy giờ, có một điều gì đó thôi thúc, khiến ông không dừng lại được. Rồi trong khoảnh khắc ấy, nghĩ đến ngày toàn thắng, ông lại nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ, nhớ tới bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác, trong đó có câu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Vậy là từ sâu thẳm trái tim ông bật lên một tiếng reo vui: Việt Nam - Hồ Chí Minh. Tiếng reo vui mừng ấy được ông lấy làm điệp khúc của bài hát. Với những tình cảm dồn nén, từ 21 giờ 30 đến 23 giờ đêm 28/4/1975, ông ngồi viết một mạch bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà không phải sửa một chữ nào. Viết xong bài hát, ông thấy mình như đã trả được “món nợ” tinh thần, như đã hoàn thành ước nguyện của mình trong bao nhiêu năm qua.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên trong căn phòng nhỏ của mình. |
Sáng hôm sau, ông đem bài hát đến cho Hội đồng duyệt chuẩn bị biểu diễn. Lúc đó mới là ngày 29/4, anh em trong Đài có người nói chưa chiến thắng mà đã sáng tác bài hát như vậy thì có lạc quan tếu không, rồi cũng có người nói chiến thắng lớn mà lại viết bài hát như cho thiếu nhi, khuyên ông nên sửa sang cho hoành tráng hơn… nhưng ông bảo chỉ viết được thế, không thể viết thêm được gì nữa.
Có lẽ chính tác giả cũng không ngờ được, bài hát của mình ra đời như một sự tiên đoán trước về chiến thắng của quân ta. Vì chỉ sau khi bài hát ra đời hơn 1 ngày, là quân ta đã toàn thắng, cờ Giải phóng đã phấp phới bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Cho đến tận bây giờ, nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn không quên được giây phút đầu tiên khi ông nghe tin chiến thắng. Ông kể lại: “Trưa 30/4, tôi được Ban biên tập Đài triệu tập khẩn cấp. Gặp tôi ở chân cầu thang tòa nhà hành chính, Giám đốc Trần Lâm hỏi ngay: "Ông đã có bài hát gì về chiến thắng chưa? Lần này là Đại Thắng! Cờ giải phóng đã cắm lên Dinh Độc Lập rồi đấy". Tôi rụt rè nói: “Tôi chỉ có một bài hát ngắn thôi!”. Ông Trần Lâm yêu cầu tôi hát cho ông nghe, khi tôi hát xong, ông vỗ tay và bảo chỉ cần thế là đủ, hãy cho anh em tập ngay để phát vào bản tin 17 giờ, ngay sau khi phát bản tin công bố miền Nam hoàn toàn giải phóng ra toàn thế giới.
Vậy là từ 13 giờ ngày 30/4/1975, cả đoàn ca nhạc của Đài lên 58 Quán Sứ tập luyện. Nhạc sỹ Phạm Tuyên tâm sự: “Cả đời tôi chưa bao giờ dự một buổi tập nhạc, thu thanh lạ lùng và cảm động đến thế, buổi tập nhạc mà cả người hát, người đánh nhạc vừa tập hát vừa khóc vì vui sướng…”. Và đến 17 giờ chiều 30/4, ngay sau khi đưa tin chiến thắng, những lời ca ngắn gọn, giản dị ấy đã vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và suốt từ đó đến hết đêm, cứ sau mỗi lần phát tin chiến thắng là Đài lại phát bài hát này.
Sức sống dài trong một bài hát ngắn
Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã có một “gia tài” lớn với gần 700 tác phẩm. Những bài hát của ông sáng tác có đủ mọi tầng lớp, từ công nhân, nông dân, nhưng chưa có bài hát nào có sức sống mãnh liệt đến như vậy. Một bài hát rất ngắn (toàn bộ lời bài hát kể cả đầu đề chưa đến 70 từ) nhưng sức sống của nó thì ngày càng dài rộng cùng năm tháng.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên tâm sự, với một người nhạc sỹ, phần thưởng lớn nhất là bài hát của mình được mọi người biết đến, mọi người chấp nhận. Và bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” của ông đã được mọi người dân Việt Nam, từ các cháu bé mẫu giáo, học sinh tiểu học, từ người trẻ đến người già, rồi mọi tầng lớp công nhân, nông dân… đều chấp nhận và hát như một thông điệp về hòa bình của Việt Nam ra thế giới. Không những thế, bài hát này mặc nhiên trở thành một “tuyên ngôn” của người dân Việt Nam mỗi khi có tin thắng trận. Từ chiến thắng của đội tuyển bóng đá, đến bất cứ cuộc vui, cuộc liên hoan nào trong trường học, trong cơ quan, trong những hội trại giao lưu… Bài hát chính là giai điệu được mọi người, mọi tầng lớp nhân dân cất lên trong những lúc hân hoan, vui vẻ. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ Nam ra Bắc, đi đến đâu cũng nghe được những giai điệu gần gũi, quen thuộc của bài hát này.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, mà ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước như Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc. Bài hát còn được Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản xuất bản và phát hành bằng tiếng Nhật trên 49 tỉnh, thành của nước bạn.
Năm 1985, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động để ghi nhận những công lao đóng góp của ông.
36 năm trôi qua, điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong từng góc phố, khán đài, trong những cuộc giao lưu quốc tế. Và bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vẫn sống mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam.
Phương Lan