Nhân 1 năm ngày mất nhà thơ Chim Trắng:

Người mở đường thầm lặng

Ngày mai 28/9/2012, tròn 1 năm ngày nhà thơ Chim Trắng vĩnh biệt trần gian. Ngày 21/9 tại TP.HCM, Quỹ Tình thơ vừa có buổi ra mắt tập di cảo Lời chào ngọn gió (NXB Văn hóa Văn nghệ) tập hợp những bài thơ cuối cùng của ông với rất đông bạn văn của Chim Trắng đến dự.

Lời chào ngọn gió thể hiện tâm trạng thật nhất của Chim Trắng: mỏng manh, dễ vỡ và những bài viết thể hiện sự yêu quý của bạn văn dành cho ông. Làng văn phương Nam nói chung, đa phần người cầm bút đều gọi nhà thơ Chim Trắng một cách trìu mến: anh Ba, chú Ba theo kiểu xưng hô trong gia đình.


Bút danh Chim Trắng: khát vọng hòa bình


Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba sinh năm 1938 tại Bến Tre. Sinh thời, Chim Trắng nói vui về bút danh của mình: “Đã có Chim Trắng, chim đỏ (nhà báo, nhà văn Xích Điểu), giời chỉ còn thiếu chim đen”. Người biết đùa như Chim Trắng lại khiến nhiều người sơ giao ngại tiếp xúc vì gương mặt khá ngầu của ông. Chính vì gương mặt khá ngầu này, những năm cuối đời, đạo diễn Trần Mỹ Hà đã mời Chim Trắng vào vai ông trưởng văn phòng thám tử rất ấn tượng trong bộ phim 32 tập Thám tử tư.


Nhà thơ Chim Trắng


Trở về thời thanh niên của Chim Trắng, ông tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ năm 1955 khi đang học trung học tại Mỹ Tho. Ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, cậu thanh niên Hồ Văn Ba trốn lên Sài Gòn tiếp tục làm cách mạng và lại bị bắt giam. Bút danh Chim Trắng ra đời trong giai đoạn này thể hiện khát vọng về hòa bình.


Từ năm 1961, ông vào chiến khu làm việc tại các tiểu ban văn nghệ tỉnh Bến Tre và ban Văn nghệ Miền. Sau năm 1975, ông làm việc tại báoVăn nghệ TP.HCMvà có hơn 10 năm làm Tổng biên tập. Thời gian sau 1975, những vấn đề lịch sử để lại đã khiến nhiều cây bút trẻ sinh sống tại TP.HCM không thể phát huy được năng lực của mình. Chính giai đoạn này, nhà thơ Chim Trắng đóng vai trò một đàn anh đúng nghĩa giang tay bảo vệ các cây bút thế hệ sau ông. Đây chính là một trong những điều mà các nhà văn, nhà thơ trưởng thành sau 1975 “biết ơn” Chim Trắng, như: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Lý Lan, Thanh Nguyên, Huỳnh Như Phương, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu, Đỗ Trung Quân, Phạm Thị Ngọc Liên, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Thái Dương, Hồ Thi Ca, Trương Nam Hương, Lâm Xuân Thi, Võ Phi Hùng…


Một nhân cách lớn cả trong văn và đời



Tập thơ Lời chào ngọn gióđược in trên chất liệu giấy tốt, dày hơn 200 trang với số lượng 1.000 cuốn. Quỹ Tình thơ trao tặng gia đình nhà thơ Chim Trắng 200 cuốn và FAHASA 200 cuốn. Số sách trao tặng FAHASA để bán nhằm đưa vào quỹ từ thiện của đơn vị này. Phần sách còn lại được Quỹ Tình thơ phát hành miễn phí dành cho những ai yêu mến nhà thơ Chim Trắng.

Có thể nói, với những đóng góp của mình trong việc nâng đỡ, tạo điều kiện phát huy tài năng của các nhà văn, nhà thơ trưởng thành sau 1975, nhà thơ Chim Trắng xứng đáng là bậc đàn anh mở đường thầm lặng trong giai đoạn này của văn học phương Nam. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá về bản lĩnh Chim Trắng: “Trong bối cảnh còn nhiều vấn đề lịch sử để lại, thế hệ chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc ấn hành tác phẩm. Khi tôi in tập thơ có một bài viết về biển, NXB không chịu in bài này vì họ cho là nhạy cảm dính đến chuyện vượt biên. Tôi đưa bài thơ đó cho Chim Trắng xem, ông nói bài này không có vấn đề gì và đăng trên báoVăn nghệ TP.HCMmột chùm thơ của tôi, trong đó có bài này. Chính nhờ uy tín của Chim Trắng bảo lãnh, mà bài thơ bị xem là có vấn đề kia được NXB duyệt in thành sách”.


Đánh giá về con người Chim Trắng trong cuộc sống hàng ngày, Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Khi nghĩ về nhà thơ Chim Trắng, tôi thường nghĩ nhiều hơn về con người ông, về sự chăm lo chu đáo, về tình cảm ông dành cho các cây bút trẻ. Chim Trắng là người trực tính, ngay thẳng, yêu ghét rõ ràng. Ông là một nhân cách lớn trong cả văn chương lẫn trong đời sống”.


Những năm cuối đời, nhà thơ Chim Trắng nhận làm cố vấn cho Quỹ Tình thơ do nhà thơ Lâm Xuân Thi điều hành, chuyên giúp các nhà thơ gặp khó khăn trong đời sống cũng như việc quảng bá tác phẩm. Nhà thơ Hồ Thi Ca, thành viên Quỹ Tình thơ cho hay: “Dù tuổi cao lại đang bị bệnh, nhưng hễ Quỹ Tình thơ họp là anh Ba có mặt ngay”.


Khi phát hiện mình bị ung thư gan không thể qua khỏi, nhà thơ Chim Trắng cho rất ít người biết bệnh tình, ông không muốn vì mình mà làm phiền người khác. Trong bài thơVùng không phủ sóng…, ông viết:“Bàn tay run run không cày nổi một câu thơ/ Tôi nói dối tôi đang lái xe về Phan Thiết…/ Cúp máy suốt ngày đêm giật mình ngỡ em vừa gọi đến/ Tin nhắn loăng quăng, dây chuyền dịch đong đưa rồng rắn”.Chú Ba là vậy, ông nói dối với mọi người rằng đang lái xe đi chơi đâu đó, nhưng thực chất đang nằm trên giường bệnh. Và có lẽ bây giờ, ông đang đi chơi đâu đó trong cõi mênh mông này.


Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN