Nghệ thuật Rô Băm trước nguy cơ thất truyền - Bài cuối: Kèn Srolai - gian nan tìm người kế tục

Nếu trong loại hình nghệ thuật La Khon Ba Sak (còn gọi là Dù kê), chiếc đàn gáo được xem là loại nhạc cụ chiếm vị trí chủ đạo, là “anh cả” trong cả dàn nhạc có chức năng dạo tuồng, dắt truyện… thì trong Rô Băm Ba Sak, chiếc kèn Srolai là loại nhạc cụ chủ đạo, vở diễn Rô Băm không thể thiếu chiếc kèn Srolai.

Gian nan tìm người kế tục

Theo chị Lâm Thị Hương (Trưởng đoàn Rô Băm Ba Sak), trong Rô Băm có những nhạc cụ gồm kèn Srolai, Săm phô (trống vỗ), chiêng…, mỗi nhạc cụ có một vị trí riêng, được xướng lên nhanh chậm, dồn dập, tùy theo tình tiết vở diễn. Nhưng với những vở diễn của đoàn Rô Băm Ba Sak thì chiếc kèn Srolai chiếm vị trí chủ đạo, là cái hồn của vở diễn, nên phải được xướng lên liên tục, từ lúc mở màn đến lúc hạ màn, mỗi lần ngắn nhất cũng 5 phút và dài nhất phải mất đến 20 phút (một vở diễn Rô Băm thường kéo dài khoảng 120 phút).

Nghệ nhân Lâm Vin đoàn Rô Băm Ba Sak Bưng Chông thổi kèn Sro Lai


Trong khi diễn Rô Băm, người thổi kèn Srolai luôn phải hoạt động với một cường độ cao nhất và mệt nhất. Điều bắt buộc với Rô Băm Ba Sak là trong lúc diễn, tiếng kèn Srolai phải được cất lên liên tục và không được ngắt, nếu ngắt thì người diễn viên sẽ không thể diễn được, dù trong lúc ấy tiếng Săm phô và chiêng vẫn cứ vang lên. Vì đơn giản, tiếng kèn chính là linh hồn của vở diễn. Cái khó của việc sử dụng chiếc kèn Srolai chính là sự cầm hơi của người thổi, họ phải thổi một mạch liên tục từ 15-20 phút mà không được ngắt tiếng kèn, người nhạc công phải làm sao vừa thở được trong khi tiếng kèn vẫn được xướng lên.

Chiếc kèn Srolai của đoàn Rô Băm Ba Sak được làm từ gỗ lim, dài khoảng 30cm, được chia làm 3 đoạn ghép lại với nhau, có tất cả 8 lỗ và 1 chiếc lưỡi kèn (được làm từ lá thốt nốt khô). Điểm đặc biệt của chiếc kèn Srolai là trước khi đưa lên thổi phải ngâm nước 5 phút, nếu không hơi kèn sẽ không sắc. Đây được xem là bí quyết riêng mà nhiều thế hệ nghệ nhân của đoàn đã truyền lại.

Việc đào tạo người thổi kèn Srolai trong vở tuồng được ví như “mò kim đáy biển”, đào tạo cả trăm người may ra mới có một người sử dụng được. Có thể nhận thấy, đoàn Rô Băm Ba Sak dù đã trải qua 6 thế hệ với cả trăm con người, nhưng mỗi thế hệ nghệ nhân cũng chỉ có được một người chân truyền loại nhạc cụ này.

Tâm tư người cầm Srolai

Vì phải lo cái ăn, cái mặc, anh Lâm Quên - người nghệ nhân thổi Srolai duy nhất của đoàn Rô Băm Ba Sak phải đến định cư ở quê vợ tại huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu). Tuy ở quê vợ, nhưng trên bàn thờ tổ của mình, chiếc kèn Srolai của anh vẫn được bảo quản rất cẩn thận và luôn đặt ở vị trí trang trọng nhất. Cũng vì ở quê vợ, nên việc luyện tập các ngón nghề cũng ít dần đi, độ dài của tiếng kèn càng ngắn lại. Nhưng đó không phải là điều mà anh băn khoăn, cái lo lớn nhất của anh chính là, sau mình, ai sẽ là người nối dài tiếng kèn Srolai này để tiếp tục nghiệp diễn của cha ông?

Anh tâm sự: “Hồi nhỏ tôi được sống trong không gian nghệ thuật của gia đình, tiếng kèn thấm vào máu mình đến vậy mà học còn khó, huống chi bây giờ, các con của tôi sống ở đây, làm sao có thể hiểu được ý nghĩa của tiếng kèn như tôi. Dù tôi có truyền lại như thế nào, nhưng nói thật, học thổi kèn Srolai này ngoài sự đam mê, khổ luyện thì cần phải có cái duyên. Không có duyên thì kể như công cốc, vì cái duyên chính là cái hồn, cái tinh túy nhất để gắn liền với chiếc kèn này”.

Vì không muốn chiếc kèn Srolai của dòng họ phải “bỏ xó”, anh Quên vẫn luôn cố gắng hết mình trong các lớp truyền dạy cho người đam mê. Ngay cả hai người con trai của anh cũng được chỉ dẫn, truyền lại hết ngón nghề, nhưng cũng không thể tiếp bước của cha. Nỗi buồn của anh nhân lên khi gần cả chục học trò được anh đào tạo bài bản vẫn không thành công, dù họ có thành thạo trên các phím âm nhưng lại không thể thổi được vì không thể cầm hơi. Thậm chí, ngay cả người nghệ sĩ thổi sáo nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Kim Đan (người có biệt tài thổi sáo bằng mũi điêu luyện của đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng) cũng phải “chào thua”. Đấy cũng chính là nguyên nhân mà những lớp trẻ sau này rất ngại kế tục, phần vì không đủ hơi, vì mệt và phần vì thiếu cái duyên gắn với nghề truyền thống như cha ông của chúng ngày trước.

Chanh Đa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN