"Bản hòa âm" đầy sắc màu
Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), trong 2 ngày 23 - 24/2. Đến tham dự Ngày Thơ Việt Nam năm 2024, công chúng và người yêu thơ được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các hoa văn, họa tiết thổ cẩm đầy sắc màu. Sau cổng thơ được thiết kế theo hình trăng non, người yêu thơ bước vào đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay được tuyển chọn từ những tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Nông Quốc Chấn, Dương Thuấn… Tổng cộng có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc.
Đi qua đường thơ, người yêu thơ lạc bước vào không gian nhà ký ức, tham quan, chiêm ngưỡng những hình ảnh, tư liệu, tiểu sử, đọc lại những vần thơ, câu văn hay của các nhà thơ dân tộc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Người đã để lại một di sản thơ ca phong phú, bao gồm thơ ca tuyên truyền cách mạng và thơ ca cảm hứng trữ tình, với phong cách đa dạng, vừa cổ điển, vừa hiện đại.
Đó là nhà thơ Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng, người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Hay là nhà thơ Hồ Dzếnh (dân tộc Hoa), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Nhà thơ Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao Tiền), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Nhà văn Y Điêng (dân tộc Ê-đê), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Nhà văn Vi Hồng (dân tộc Tày), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012…
Tại các quán thơ diễn ra chương trình giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà thơ trẻ, các nhà thơ đã thành danh… với công chúng và người yêu thơ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức nhằm giới thiệu đến với công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của 54 dân tộc Việt Nam, những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc hoặc tác phẩm viết về các thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.
Tổng đạo diễn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, về tổng thể, toàn bộ không gian Ngày Thơ năm nay tại Hoàng thành Thăng Long là những hiệu ứng hoa văn thổ cẩm trên các mái nhà, trên thân cây, lá cây… kết hợp với 22 đài đuốc, tượng trưng cho Ngày Thơ lần thứ 22, vừa tạo hiệu ứng ánh sáng, vừa mang lại không gian ấm cúng cho cộng đồng yêu thơ đến tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần này.
Cùng với các họa tiết hoa văn thổ cẩm làm chủ đạo, công chúng và người yêu thơ được đắm mình trong không gian đậm chất thi ca ở Hoàng thành Thăng Long, bởi những ca khúc, những sáng tác âm nhạc về miền núi, về dân tộc như “Bóng cây kơ nia”, “Cây đàn Chapi”… mang đến cho công chúng một “Bản hòa âm đất nước” đa màu, đa sắc…
Thú vị và ấn tượng với Ngày Thơ
Đến tham quan Ngày Thơ Việt Nam, nhà văn Phạm Huỳnh Công, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Chủ đề “Bản hòa âm đất nước” tôn vinh các nhà thơ dân tộc miền núi năm nay rất hay và ý nghĩa, bởi thơ văn dân tộc miền núi đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học Việt Nam. Nhiều nhà thơ, nhiều tác giả đã có những tác phẩm văn học gây cảm xúc lớn cho người đọc.
“Tôi rất thích và ấn tượng với chủ đề của Ngày Thơ năm nay nên dù mưa, tôi cũng bắt xe đến đây để tham dự. Tôi rất xúc động khi đọc lại tư liệu, những câu thơ, câu văn hay của các nhà thơ được giới thiệu trong ngôi nhà ký ức này, bởi đã có những gương mặt tôi từng biết, từng nghe nói, từng đọc tác phẩm... nhưng đôi lúc bị lãng quên đi. Tôi được gặp, được nhớ lại những gương mặt ấy khi đến đây”, nhà văn Phạm Huỳnh Công chia sẻ.
Là Nghệ sỹ Nhiếp ảnh nhưng ông Nguyễn Sỹ Tân lại rất yêu thơ nên Ngày Thơ năm nào ông cũng tham gia. Ông Nguyễn Sỹ Tân cho biết, ông đã đi đọc hết 54 câu thơ ở đường thơ, thấy câu thơ nào cũng như chắt chiu, rút từ gan ruột của các tác giả, nhiều câu lắng đọng, có những câu thơ hay ông đọc đi đọc lại nhiều lần.
“Tôi ấn tượng với những hoa văn, họa tiết trang trí ở các lều thơ, nhà ký ức hay đường thơ… Nhìn vào những hoa văn trang trí này, người xem dễ dàng nhận ra Ngày Thơ năm nay dành nhiều sự quan tâm cho các nhà thơ dân tộc”, ông Nguyễn Sỹ Tân chia sẻ.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) bày tỏ niềm vui và xúc động khi được tham dự Ngày Thơ năm 2024. Là người dân tộc thiểu số, chị rất xúc động khi Ngày Thơ năm nay tập trung chủ đề tôn vinh thơ ca của các dân tộc Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng để khẳng định Ngày Thơ Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành một lễ hội văn hóa lớn của người Việt.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai cho rằng, Ngày Thơ năm nay rất ý nghĩa, bởi nhiều vùng miền văn hóa đã được gọi tên, tất cả đều tụ hội về Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, trung tâm văn hóa, di sản của Thủ đô.
“Là một trong những nhà thơ người dân tộc được trình bày tác phẩm của mình tại đêm thơ Nguyên Tiêu năm nay, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được đại diện người con gái Mường, mang tiếng thơ của người Mường đến với công chúng yêu thơ trong ngày Rằm tháng Giêng này”, nhà thơ Bùi Tuyết Mai bày tỏ.