Ban ngày tất bật với 5 sào ruộng khoán, tối về cả gia đình lại quây quần, người là kép đàn, người là ca nương, say sưa với những làn điệu ca trù mượt mà, đằm thắm... Có thể nói, những gia đình yêu mến và say mê với nghệ thuật ca trù như gia đình ông Phạm Tài Khoản, bà Lê Thị Phùng ở Diễn Châu, Nghệ An bây giờ thực sự hiếm hoi...
Nghệ An là một trong những cái nôi của văn nghệ dân gian, trong đó có ca trù. Trải qua nhiều thế kỷ, ca trù ở đây có lúc rất thịnh hành, nhưng cũng có lúc tưởng chừng như không tồn tại được. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của địa phương và những người yêu mến ca trù, nên đến nay nó đã được hồi sinh. Những người gắn bó với ca trù, ban ngày đi làm, tối về họ vẫn luyện tập ca hát để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Gia đình ông Phạm Tài Khoản, bà Lê Thị Phùng ở xóm 10, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) là một điển hình, khi có tới 4 người gồm bố mẹ, con dâu, con trai đều mê ca trù và cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ ca trù Diễn Yên (huyện Diễn Châu, Nghệ An).
Đã từ lâu, hàng xóm nhà ông Khoản vẫn thường xuyên được nghe tiếng đàn, tiếng hát hòa quyện trong tiếng trống chầu nhịp nhàng vang lên từ ngôi nhà nhỏ của ông. Đó là những lúc cả gia đình ông Khoản cùng quây quần bên nhau tập đàn, tập múa, hát ca trù... Cũng có khi là cả nhà cùng tập một điệu hát mới, ông Khoản lại ân cần chỉ bảo cho cậu con trai 19 tuổi từng cung đàn, nhịp phách, còn bà Phùng thì cùng cô con dâu tập hát, tập múa… Và những ai đã tận mắt chứng kiến vợ chồng, cha con ông Khoản say sưa biểu diễn tiết mục hát nói “Cảo thơm lần giở” - dựa theo truyện Kiều Nguyễn Du tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 hồi tháng 10 vừa qua, mới thấy tình yêu ca trù trong gia đình ông Khoản thật đáng khâm phục.
Gia đình ông Phạm Tài Khoản biểu diễn ca trù. Ảnh: Trần Cảnh Yên |
“Nhà tôi có gốc ca trù đại hàng Kẻ Lứ ngày xưa đấy nhé!”, vừa gặp chúng tôi, bà Phùng đã khoe ngay. Rồi bà kể, giáo phường ca trù đại hàng Kẻ Lứ - Yên Lý là một giáo phường ca trù nổi tiếng ở Diễn Yên ngày xưa, từ khoảng những năm 2000, bà vẫn nghe bà cố, khi đó đã 90 tuổi, vốn là người gốc Diễn Yên, từng ở trong gánh hát đại hàng Kẻ Lứ xưa thường hay hát hồng hồng, tuyết tuyết… mặc dù lúc đó còn chưa biết gì về nhịp phách, nhưng bà vẫn thấy rất thích và học hát theo. Còn ông Khoản, ngay từ khi mới 9, 10 tuổi, ông thường được nghe ông bà, bố mẹ hát ca trù, nghe nhiều nên ông cũng thấy thích dần. Nhưng lúc đó cũng chỉ biết thích vậy thôi. Mãi đến năm 2004, ông được địa phương cử đi học lớp đào tạo đàn và ca nương 3 tháng. Sau khi đi học về, ông nhận thấy nghệ thuật ca trù mà ông cha ta để lại là di sản vô giá, mình là thế hệ con cháu, hậu sinh phải có trách nhiệm khôi phục và bảo tồn lại nghệ thuật này… Từ đó, ông cùng với vợ thường xuyên tập đàn, tập hát, rồi đi vận động mọi người trong thôn, xã cùng tập hát ca trù.
Ông Khoản nhớ lại: “Những ngày đầu đi vận động bà con trong xã tập hát và tham gia câu lạc bộ ca trù rất khó khăn, vì mọi người vẫn chưa biết nghe, biết hát ca trù. Để thuyết phục bà con, vợ chồng tôi người đàn, người hát cho mọi người nghe, hát một lần chưa thông, hát 2 lần, 3 lần… nghe nhiều nên bà con cũng thấy quen, một số người thấy thích nên đã đăng ký gia nhập câu lạc bộ”. Tính đến nay, ông đã dạy được cho 4 ca nương và 3 kép đàn, đàn và hát khá tốt, thường xuyên đi biểu diễn ở các đám trong xã và giao lưu với các địa phương khác.
Ở Nghệ An, ca trù xuất hiện đầu tiên dưới dạng các phường hát, và thành phố Vinh từng là thủ phủ của nghệ thuật này với một tụ điểm chuyên nghiệp ở Cống Đệ Nhị, nhân dân quen gọi là phố cô đầu. Từ thành phố Vinh, ca trù đã lan rộng và phát triển ở một số huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương… Khác với các địa phương khác, ca trù Nghệ An chia làm hai loại: Tiểu hàng và đại hàng. Tiểu hàng là phường ca trù gồm ít thành viên thường chỉ có vài đào kép với vài ba đào nương nằm gọn trong một gia đình hay một gia tộc, chủ yếu phục vụ các đám đình nhỏ. Đại hàng là phường ca trù của một dòng họ nổi tiếng mà tiền thân là những quản giáp, đào nương lừng danh đã từng chầu hát ở cung Vua, phủ Chúa… vì vậy thường rất được tôn sùng, được mời hát ở mọi nơi hội hè đình đám, tư gia, khao lão, vọng sắc… quan trọng. Tuy nhiên, dù là đại hàng hay tiểu hàng, thì những thành viên ở các phường này cũng chỉ coi hát ca trù như một cái thú, còn họ vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông hoặc thủ công. Kẻ Lứ - Yên Lý (nay là làng Ngoại thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vốn là một giáo phường hát ca trù đại hàng của dòng họ Trần từ thời Lê Trung Hưng đến thời nhà Nguyễn. Gia phả của dòng họ Trần Kẻ Lứ đồng thời là Phả của Giáo phường lập niên hiệu Chính Hòa 11 (1690) cùng 12 đạo sắc phong đời Lê và đời Nguyễn phong cho những quản giáp xuất sắc hiện vẫn còn được lưu giữ nguyên bản gốc bằng chữ Nôm tại bàn thờ tổ sư của giáo phường tại nhà anh Trần Giang ở làng Ngoại, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. |
Vận động người ngoài khó khăn, ông bà quay về vận động chính những người thân trong gia đình. Từ con gái, con dâu, đến cậu con trai út năm nay mới gần 20 tuổi cũng được ông bà vận động, khuyến khích tập đàn và hát ca trù. Ông Khoản nhận thấy, việc truyền nghề cho người thân trong gia đình là tốt nhất, bởi ca trù không dễ tập, dễ hát, có khi nghe bố mẹ tập hát, con cái nghe nhiều nên biết nghe, biết hát theo. Con dâu ông bà là chị Thái Thị Liên, cũng chỉ vì nghe nhiều nên thích và tập hát theo. Ngay cả cậu con trai Phạm Văn Bá, giờ cũng đã biết đánh đàn đáy và thường đệm đàn cho mẹ, cho chị tập hát. Hiện cả gia đình ông Khoản vẫn đều đặn sinh hoạt cùng các thành viên trong câu lạc bộ ca trù xã Diễn Yên.
Ông Khoản tâm sự: “Việc dạy con cháu trong nhà cũng không dễ dàng gì, bởi lớp trẻ ngày nay thường không mấy mặn mà với nhạc truyền thống. Thời gian đầu, khi ông mới đặt vấn đề dạy con học đánh đàn, con trai ông cũng không thích, cho rằng trẻ ai lại đàn hát ca trù. Nhưng ông vẫn kiên trì động viên và dạy con: “Càng trẻ, con càng cần phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc. Bởi những người trẻ mới lưu giữ được lâu hơn, mới có nhiều thời gian để tuyên truyền cho cộng đồng hiểu hơn và có trách nhiệm bảo vệ di sản của cha ông…”. Cứ như vậy, mưa dầm thấm lâu, dần dần, con ông nghe và hiểu được, nên đã đồng ý tập cùng cha mẹ. Và công lao của cha con ông Khoản đã có kết quả, tại Liên hoan ca trù hồi tháng 10 vừa qua, anh Phạm Văn Bá, con trai ông đã được Ban tổ chức trao giải kép đàn triển vọng…
Ông Khoản băn khoăn: “Hiện nay, ca trù vẫn chưa phát triển rộng rãi, và cái khó nhất là vẫn có rất ít người biết nghe ca trù, vì loại hình nghệ thuật này vừa khó tập, lại rất khó nghe. Để nghệ thuật ca trù phát triển được, thì phải làm sao để có thật nhiều khán giả và người biết nghe ca trù. Nếu có nhiều người nghe, thì chắc chắn ca trù sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn”. Nhưng ông cũng cho rằng, làm được điều đó không phải dễ dàng, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương, nhiều câu lạc bộ ca trù còn rất khó khăn như hiện nay. Ngay như địa phương ông, sau một thời gian dài nỗ lực vận động, hiện đã có 4-5 người muốn tập đàn, nhưng lại không có đàn để tập, ngay cả trang phục để diễn cũng thiếu thốn… Mong muốn của ông cũng như những người yêu ca trù hiện nay là, được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, dù là một chút ít thôi, để giúp các câu lạc bộ ca trù hoạt động. Trước mắt là hỗ trợ nhạc cụ, thiết bị, đào tạo ca nương, sau đó là tạo điều kiện để các câu lạc bộ được giao lưu để cùng luyện tập, học hỏi lẫn nhau… “Tôi gìn giữ ca trù là bảo tồn giá trị của gia đình. Bố mẹ nuôi tôi bằng tiếng đàn, tiếng hát, nên tôi phải có trách nhiệm giữ và truyền cho con cháu sau này”, ông Khoản tâm sự.
Phương Lan