ASIAD vừa qua là một ví dụ, khi “Xoilactv” và một số trang mạng đã “làm mưa làm gió” trong bối cảnh các đơn vị truyền hình lớn không có được bản quyền và sau đó, đến lúc phải “vào khuôn khổ” với việc VOV sở hữu bản quyền các trận đấu thể thao của ASIAD, thì cũng phải tới khi cơ quan chức năng ra quyết định cấm, “Xoilactv” và một số trang mạng khác mới chấm dứt việc “lén lút xem chùa” của mình.
Và nữa, không chỉ khán giả, chính những người trong cuộc, đôi khi cũng còn coi “quyền của tổ chức phát sóng” là chuyện… của ai đó. Cũng là ASIAD 2018, khi một kênh rất lớn của một đài TH trung ương, đã bị VOV cắt sóng vì dám chèn quảng cáo của mình vào chương trình truyền hình trực tiếp, trong khi theo thoả thuận là không được phép.
Vậy nên, khi cuộc “Hội thảo về Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số” được tổ chức trong những ngày trung tuần tháng 9 này, do Cục Bản quyền tác giả (COV) phối hợp với Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) và Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC) thực hiện; cả khán giả, người trong cuộc đều thấy mình “vỡ” ra nhiều điều.
“Không chừa một ai”
Đó là điều những người tham dự Hội thảo có thể rút ra sau một loạt tham luận của các diễn giả, đến từ các đơn vị trực tiếp làm về phát sóng, những chuyên gia, những nhà quản lý.
Đến từ Đài truyền hình Việt Nam (VTV), ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, bức xúc chia sẻ tình trạng VTV bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng.
Theo đó, đa số các đơn vị sử dụng chương trình của VTV mà không xin phép, tự ý cắt quảng cáo hoặc chèn quảng cáo của mình. Nạn sao chép xảy ra với cả những chương trình truyền hình đặc sắc có chi phí bản quyền và sản xuất tốn kém. Các nội dung bị phát tràn lan trên Internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường. Nhiều chương trình mà VTV phải trả kinh phí lớn để mua bản quyền thì bị nhà đài khác thu lại để phát sóng mà không trả phí.
Ông Thanh Vân lấy ví dụ: Riêng tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, đã có trên 400 trang Facebook và kênh Youtube vi phạm. Với giải bóng đá World Cup 2018, chỉ trong 2 ngày đầu tiên có 700 tài khoản vi phạm.
“Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Do đó, nhiều vi phạm bản quyền công khai trên môi trường số đã bị đối tác quốc tế xử lý, gây thiệt hại cho tổ chức phát sóng và thiệt thòi lớn cho người dân Việt Nam. Ví dụ, VTVcab bị cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League tháng 5/2017 do VTV bị vi phạm bản quyền”, ông Thanh Vân nhấn mạnh.
Chỉ ra những con số nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông khẳng định: Chính xu hướng xem thể thao trên Internet của người Việt là một lý do khiến việc xâm phạm bản quyền ở mảng này gia tăng nhanh hơn.
Số liệu của Global Web Index cuối năm 2017cho thấy, tỷ lệ xem thể thao của toàn cầu trên Internet năm 2016 chỉ chiếm khoảng 15% và tăng lên 19% trong năm 2018. Trong khi đó, tại Việt Nam và Thái Lan, tỷ lệ này năm 2016 là 27% nhưng đến 2018 đã tăng lên 32%.
Hiện tại, có 5 website thể thao vi phạm bản quyền “hàng đầu”. Chỉ riêng với 5 website này, nếu như tháng 3 đạt 11,1 triệu lượt xem thì đến tháng 6 - thời điểm có World Cup - con số này đã tăng lên 25,4 triệu lượt. Một trang chiếu phim lậu, trong tháng 8 cũng đạt tới 68 triệu lượt người xem. Con số này đã tăng mạnh so với hồi tháng 3 (chỉ 44 triệu lượt).
Theo ông Đồng, chính xu hướng này đã khiến Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới - có động thái mua quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh tại châu Á, bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia trong ba mùa liên tiếp 2019-2020.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Kỷ nguyên số và internet đã và đang tạo cơ hội thuận lợi cho chúng ta trong việc tiếp xúc với các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học, các bản ghi âm ghi hình, các chương trình biểu diễn, các chương trình phát sóng một cách dễ dàng, thuận lợi.
Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức trong việc làm thế nào để bảo hộ được quyền lợi của các chủ thể đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, các quyền liên quan: Quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, đặc biệt là quyền của các nhà sản xuất chương trình phát sóng, các tổ chức phát sóng”.
Dù có một điều may mắn là Việt Nam đã có được hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm của công dân, pháp nhân các nước thành viên. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền cũng chưa vì thế mà chấm dứt được, vẫn cần một lộ trình dài nữa.
Sự hiệp lực « tầm quốc gia và quốc tế »
Là một trong những “người trong cuộc”, đại diện của Truyền hình K+ chia sẻ: Với vai trò tiên phong trong lĩnh vực truyền hình số, K+ đã nỗ lực ứng dụng các công nghệ tiên tiến cung cấp cho khán giả Việt Nam dịch vụ truyền hình trả tiền “đáng đồng tiền bát gạo” trên cả nền tảng DTH và OTT với chất lượng âm thanh và hình ảnh kĩ thuật số vượt trội.
Cũng chính K+ là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang sở hữu bản quyền phát sóng các giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh và có giá trị lớn như giải bóng đá Ngoại hạng Anh, 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League; Hệ thống các giải tennis ATP…
“Việc có được các bản quyền phát sóng lớn nói trên cũng khẳng định được uy tín của K+ trên thị trường truyền hình quốc tế. Trước đó, khán giả Việt Nam đã phải chịu thiệt thòi khi không được xem 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League trong 1 khoảng thời gian do vấn đề vi phạm bản quyền. Truyền hình K+ đã nỗ lực mang lại hai giải đấu này cho người hâm mộ Việt Nam từ cuối mùa giải vừa qua đến hết mùa giải 2020/2021. Vì vậy, ngoài khoản phí bản quyền lớn đã bỏ ra, K+ cũng phải đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống cũng như xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền. Song rất khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng”, ông Stephane Baumier, Phó Tổng Giám đốc Truyền hình K+ phát biểu.
Trên thực tế, để bảo vệ quyền của mình, ngoài việc “trông cậy” vào sự nghiêm minh của các quy định pháp luật, vào ý thức của một bộ phận khán giả; thì K+ cũng đã phải “tự thân vận động” nhiều, bằng con đường “hiệp lực ở tầm quốc gia và quốc tế để chống vi phạm bản quyền trong môi trường số”.
“Hiệp lực” để xử lý các trang báo điện tử đăng tải đường link cũng như “mách nước” cách thức xem các trận đấu thể thao bất hợp pháp. “Hiệp lực” để xử lý các kênh phát trực tiếp (live stream) vi phạm trên các hạ tầng mạng xã hội và các đường link bất hợp pháp trên các công cụ tìm kiếm. “Hiệp lực” để xử lý các nhà cung cấp hosting nước ngoài cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền…
Những sự “hiệp lực” ấy nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề vi phạm thông qua các liên minh bảo vệ nội dung khu vực và toàn cầu; đấu tranh cho một khung pháp lý phù hợp nhất để bảo vệ quyền SHTT; cùng chung tay tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý trong các trường hợp vi phạm.
Và lần này là “hiệp lực” để làm rõ hơn, sáng tỏ sự cần thiết phải tôn trọng, tuân thủ và bảo hộ bản quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số, thông qua một cuộc hội thảo. Bởi, như ông Stephane Baumier khẳng định: “Những hội thảo như thế này sẽ giúp nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền với người dùng, đồng thời giúp các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh có được những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức phát sóng và cũng là đảm bảo quyền được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình phát sóng hợp pháp có giá trị và đẳng cấp cho khán giả”.