Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ II

Ngày 28/7, tại Khu du lịch sinh thái Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam tổ chức Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ II.

Chú thích ảnh
Các cánh diều tại liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Hoạt động nhằm quảng bá, vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư"- một trong 11 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Liên hoan Diều toàn quốc lần này có sự tham gia của 35 câu lạc bộ diều với gần 150 nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Đắc Lắk, Thái Bình... Các câu lạc bộ diều tham gia thi diều truyền thống thiết kế đẹp, thi sáo diều truyền thống, thi kỹ thuật làm diều truyền thống tại chỗ và thả diều sáo vượt câu liêm. 

Đến với liên hoan, du khách, nhân dân, nhất là các em nhỏ có cơ hội được trải nghiệm học cách làm diều, vót cung, dán giấy, khoét sáo, vẽ tranh trên diều, cách buông diều, đặc biệt, được chứng kiến phần thi thả diều sáo vượt câu liêm đã có từ hàng trăm năm với luật chơi không thay đổi... 

Chú thích ảnh
Các cánh diều tại liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tại Liên hoan, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Trưởng ban tổ chức Liên hoan cho biết, không chỉ riêng Đền Sáo, xã Song An, huyện Vũ Thư có tục thi thả diều sáo mà có rất nhiều lễ hội trong cả nước có thi diều, trở thành nghi lễ thiêng thiêng, gắn liền với tên tuổi của vị Thành hoàng, thánh Mẫu, được ghi vào sắc phong qua các đời vua thì không phải nơi nào cũng có. Thi diều sáo ở Đền Sáo (xã Song An) đời nối đời đến nay đã được gần 600 năm. Người đem diều sáo đến với hội đền, trước là vì tâm linh, sau là để đọ sức thi tài với nhau. Từ xa xưa diều ở Song An đã nổi tiếng về độ to, độ dài. Chiếc nhỏ nhất cũng dài từ 2,5m trở lên, chiếc to dài từ 10m đến 12m. Chính tiếng sáo diều trong hội Sáo Đền đã tạo nên một sắc thái văn hóa đặc trưng của Thái Bình xưa và nay.

Chú thích ảnh
Các cánh diều tại liên hoan Diều toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo cổ lệ, để có được một cánh diều tham gia trong lễ hội, các nghệ nhân đã phải chuẩn bị trước đó cả tháng. Với người chơi diều đó là cả một quá trình chuẩn bị công phu bằng rất nhiều tâm huyết. Đối với người xem, họ được chiêm ngưỡng thành quả lao động của những nghệ nhân diều, được hòa mình vào không khí hào hứng của cuộc thi. Trong mỗi cuộc thi diều không có sự phân định rõ ràng giữa người trình diễn và người thưởng thức. Mọi người cùng sống trong một không khí linh thiêng, hứng khởi, cùng nhau tham gia vào quá trình sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa cộng đồng. 

Chú thích ảnh
Ban Giám khảo tổ chức chấm điểm các phần thi tại liên hoan. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ II được tổ chức không chỉ là dịp để tôn vinh, quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội đương đại mà còn thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công lao với quê hương, đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đây cùng là dịp thu hút du khách, tạo sân chơi và cơ hội thưởng lãm cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật trên không...

Sơn Hải (TTXVN)
Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ Nhất tại Nam Định
Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ Nhất tại Nam Định

Ngày 5/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) tổ chức Liên hoan Diều Việt Nam toàn quốc lần thứ Nhất và phát động kích cầu du lịch hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN