Nghi thức truyền đăng trong Lễ Liên Hoa Hội Thượng chùa Côn Sơn. |
Lễ Liên Hoa Hội Thượng là một nghi lễ đặc trưng của Phật giáo, ra đời nhiều thế kỷ trước và thường được tổ chức ở những trung tâm Phật giáo lớn, những ngôi chùa có tòa Cửu Phẩm Liên Hoa như ở chùa Côn Sơn. Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn vốn được Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang xây dựng từ thế kỷ 14 và hàng năm đều tiến hành lập đàn chẩn tấu, tổ chức Lễ Liên Hoa Hội Thượng và nghi thức truyền đăng.
Vào thế kỷ 17, Thánh Tổ Mai Trí Bản cho tôn tạo lại tòa Cửu Phẩm và duy trì lễ Liên Hoa Hội Thượng. Thế kỷ XIX, Cửu Phẩm Liên Hoa và các công trình khác của chùa Côn Sơn bị tàn phá và nghi lễ Liên Hoa Hội thượng đã bị thất truyền. Năm 2014, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt việc tôn tạo công trình Cửu Phẩm Liên Hoa. Sau hai năm xây dựng, nay tòa Cửu Phẩm đã hoàn thành, đúng dịp Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2017. Nghi lễ Liên Hoa Hội Thượng được tổ chức nhằm an vị tượng và xem như ngày lạc thành của tòa Cửu Phẩm.
Trong kiến trúc Phật giáo, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là biểu tượng tối cao của Thế giới Cực Lạc, cõi Niết Bàn, nơi Đức Phật A Di Đà thường trụ. Ngài ngự ở hàng cao nhất của Cửu Phẩm, dùng ánh sáng vô lượng phổ chiếu cứu độ chúng sinh. Nghi lễ Liên Hoa Hội Thượng gắn với Đức Phật A Di Đà. Ngài là một vị đạo sư luôn dùng ánh sáng trí tuệ của mình để giáo độ, dẫn dắt chúng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Tại buổi lễ, trong phần nghi thức truyền đăng, hàng nghìn ngọn nến lung linh đã được thắp lên. Ánh sáng của những ngọn nến lung linh là ánh sáng của trí tuệ, của lòng từ bi tựa như ánh hào quang rực rỡ của Đức Phật A Di Đà chiếu xuống nhân gian. Mỗi ngọn nến trên tay Phật tử là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, quốc thái dân an.
Việc hoàn thành tòa Cửu Phẩm Liên Hoa và tổ chức lễ Liên Hoa Hội Thượng tại chùa Côn Sơn góp phần phục hồi các nghi thức, lễ nghi tôn giáo cổ truyền, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Trước lễ Liên Hoa Hội Thượng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cùng Ban Tổ chức Lễ hội đã tiến hành lễ an vị tượng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa và thực hiện nghi thức xoay tòa Cửu Phẩm Liên Hoa để chính thức đưa Tòa Cửu Phẩm vào phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, nhu cầu tu học của các tăng ni, phật tử.