Sôi nổi các hoạt động
Tại Hà Nội, ngay từ đầu tháng 4/2023, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực như: Trưng bày triển lãm sách, nói chuyện chuyên đề, vẽ tranh theo chủ đề, thi xếp sách nghệ thuật, tuyên truyền giới thiệu sách, trao tặng sách… tạo sức lan tỏa về việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc đến mọi người dân.
Điểm nhấn là Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023 tại Thư viện Hà Nội ngày 20/4 với chủ đề "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo" với sự tham dự của đại diện các cơ quan Trung ương và Hà Nội, các thư viện, trường học, học sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc trên địa bàn Thủ đô. Trong khuôn khổ lễ khai mạc, các đại biểu tham dự được nghe nói chuyện chuyên đề về "Văn hóa đọc trong thời kỳ 4.0" cùng các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai - năm 2023 diễn ra từ ngày 19-23/4 với thông điệp: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”; “Mỗi người dân là một Đại sứ văn hóa đọc”. Khoảng 100 hoạt động được tổ chức trên khắp các quận, huyện nhằm tôn vinh những người làm sách và nâng cao văn hóa đọc.
Theo đó, chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay bao gồm nhiều chủ đề mới được đông đảo người dân quan tâm như ChatGPT và việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay, làm sao để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em trong thời đại số, vì sao cần xuất bản sách điện tử…
Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm, ra mắt sách, ký tặng sách, các sự kiện triển lãm, trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách và nhiều chương trình khuyến mãi từ 30 đơn vị xuất bản, phát hành sách cũng diễn ra. Đặc biệt, Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Thành phố Hồ Chí Minh năm nay là sự có mặt của 10 đại sứ văn hóa đọc, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng để ngày càng nhiều người yêu sách hơn, viết sách nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc sách trong đơn vị. Theo đó, từ ngày 21 - 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ phát động phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, văn hóa làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khai trương không gian đọc số Thư viện Khoa học công nghệ của Bộ. Song song với đó, tọa đàm với chủ đề "Sách: Nhận thức - sáng tạo - đổi mới", "Sách cho bạn, cho tôi", "Sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn"..., với sự tham gia của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Đặc biệt, ngày 20/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn có thư ngỏ gửi lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm khuyến khích, kêu gọi và động viên mọi người cùng hướng đến giá trị “Văn hoá đọc - Khơi nguồn đổi mới sáng tạo” trong mỗi cơ quan đơn vị... khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với văn hóa đọc.
Bộ Công an cũng tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc trong Công an nhân dân với thông điệp: "Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo, xây dựng Công an nhân dân: Bản lĩnh - nhân văn - vì nhân dân phục vụ".
Thư viện Quân đội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc với nhiều hoạt động như: Triển lãm sách, báo với chủ đề: “Sách – Tri thức, khơi nguồn sáng tạo, chắp cánh ước mơ người chiến sỹ” với hơn 1.000 tư liệu tiêu biểu. Nói chuyện chuyên đề với chủ đề: “Tấm gương đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” chia sẻ về tác phẩm viết về văn hóa, về vai trò của sách và văn hóa đọc, về tầm quan trọng của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ công nghệ số…
Tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, từ các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, đến vùng đồng bằng sông Hồng như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… đều diễn ra các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc với các hoạt động như triển lãm, giao lưu, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, tổ chức tọa đàm về sách và văn hóa đọc.
Lan tỏa sách và văn hóa đọc đến mọi miền
Năm nay, các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ ngày 21/4 - 25/4, tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.
Trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - năm 2023 diễn ra chuỗi hoạt động gồm: Tọa đàm giới thiệu sách “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc”; giao lưu khám phá “Đất nước gấm hoa và cảnh Việt trong văn chương”; giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; tọa đàm “Dư luận nữ quyền tại Huế xưa và nay”…
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 có 2 chủ đề chính, trong đó, chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” hướng đến yêu cầu nội dung các cuốn sách phải thể hiện sự đổi mới, đem đến sự sáng tạo và động lực đối với sự phát triển của đất nước. Bản thân ngành xuất bản năm nay cũng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu này. Chủ đề “Sách cho tôi, cho bạn” với mong muốn lan tỏa nội dung, ý nghĩa cũng như giá trị của cuốn sách đến với mọi người.
Chia sẻ lý do tổ chức các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Nguyên cho biết, với tinh thần sách không chỉ lan tỏa ở các trung tâm chính trị, kinh tế, mà sách phải lan tỏa về tất cả các vùng miền trên cả nước, chính vì vậy, năm nay, Ban tổ chức đã lựa chọn Huế - trung tâm đào tạo, giáo dục, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa để tổ chức các sự kiện chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay.
Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay.
Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bên cạnh việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các hoạt động, chương trình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Vụ Thư viện cũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 trong các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và hệ thống thư viện trên toàn quốc.
Trong đó, điểm nhấn là Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày 19/4, với nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, có ý nghĩa như: Tọa đàm - giao lưu tác giả, tác phẩm, thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách bằng tiếng Anh; tham gia các hoạt động như Huấn luyện trí tuệ siêu đọc sách, Khám phá Thư viện số Let’s read; Đọc sách sáng tạo, Trò chơi trí tuệ: Mảnh ghép tri thức và Trưng bày các tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức…
Bà Kiều Thúy Nga cho biết, để các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đi vào thực chất và hiệu quả, Vụ Thư viện đã tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các thư viện trong cả nước tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 một cách nghiêm túc, hiệu quả, trong đó quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động khuyến học, xây dựng mô hình đọc sách, không gian đọc sách sáng tạo, nhằm thúc đẩy phong trào đọc và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; khuyến khích các thư viện sử dụng các phương tiện sáng tạo trên không gian mạng để truyền thông và quảng bá về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tạo được sự quan tâm và tham gia của cộng đồng xã hội và người dân.
“Để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chúng ta cần phải xây dựng một môi trường đọc cũng như thói quen đọc từ gia đình, nhà trường, các cơ quan tổ chức cho đến cộng đồng. Phải có sự lan tỏa chung trong toàn xã hội thì phong trào đọc và phát triển văn hóa đọc mới có thể phát triển một cách bền vững”, bà Kiều Thúy Nga chia sẻ.