Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, tại Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức trưng bày “Tác phẩm Nguyên Hồng và về Nguyên Hồng”.
Nhà văn Nguyên Hồng sinh ra tại Nam Định. Sau khi gia đình lâm vào cảnh túng bấn, Nguyên Hồng bỏ học, theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Cuộc sống phố thị nơi đất khách quê người cơ cực và ngang trái trong các xóm thợ nghèo khiến Nguyên Hồng bức bối muốn viết, phải viết một cái gì đó.
Sau hai lần gặp nhà thơ Thế Lữ, người được coi là lá cờ đầu trong phong trào Thơ mới và nhóm Tự lực văn đoàn, Nguyên Hồng tự tin và quyết tâm viết. Chỉ sau một năm ra Hải Phòng, Nguyên Hồng in truyện ngắn đầu tay “Linh hồn” và năm tiếp theo lại viết tiểu thuyết đầu tay “Bỉ vỏ” khi mới 19 tuổi.
Đồng thời với viết sách, báo, ông tích cực tham gia Mặt trận Dân chủ ở Hải Phòng, được Bí thư Thành ủy Hải Phòng Tô Hiệu giác ngộ cách mạng và từng bị Pháp bắt hai lần nhưng ông tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia viết văn, biên tập văn nghệ, phụ trách trường Bồi dưỡng viết văn trẻ và Ban văn học công nhân. Ông là người có công đầu thành lập tổ chức Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng từ năm 1946, trước Hà Nội hai năm.
Ngoài “Bỉ vỏ”, nhà văn Nguyên Hồng còn hoàn thành tiểu thuyết tự truyện “Những ngày thơ ấu”, tiểu thuyết “Cửa biển” 4 tập từ năm 1958 đến 1976. Thời điểm đó, “Cửa biển” đạt kỷ lục guiness Việt Nam là bộ tiểu thuyết có tính sử thi đầu tiên với không gian phản ánh rộng nhất, thời gian dài nhất, số trang, số tập lớn nhất về đề tài đấu tranh yêu nước cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Năm 1981, Nguyên Hồng cho xuất bản và hoàn thành bản thảo tập 2 của bộ tiểu thuyết 3 tập “Núi rừng Yên Thế” viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế. Ngày 2/5/1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng Tô Hoàng Vũ khẳng định, gần nửa thế kỷ cầm bút, Nguyên Hồng để lại di sản đồ sộ với gần 40 tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tiểu thuyết đến thơ, tiểu luận, hồi ký. Những trang viết của nhà văn Nguyên Hồng đầy ắp hiện thực của những người lao động nghèo khổ. Trái tim của nhà văn cùng nhịp đập với nhân vật của mình, với bạn đọc của mình, chính là điều kiện tiên quyết để làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm.