Kỳ công nặn tượng sáp những người nổi tiếng

Lần đầu tiên, hơn 100 tác phẩm chân dung của các văn nghệ sĩ, diễn viên đúc bằng sáp được trưng bày và giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật tại khu trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam (nhà hát Hòa Bình, quận 10, TP Hồ Chí Minh).

Đang tham quan, chiêm ngưỡng tượng sáp các nghệ sỹ Việt Nam tại khu trưng bày, anh Lê Công Thành, ngụ ở quận 10, cho biết lần đầu tiên anh được “gặp” hơn 100 nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam tại cùng một địa điểm.

“Trước đây, dù có muốn gặp các văn nghệ sỹ nổi tiếng như MC Trấn Thành, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sỹ Hoài Linh... tôi cũng chẳng có cơ hội. Tuy nhiên, từ khi khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sỹ Việt Nam mở cửa đón khách tham quan, tôi đã có cơ hội gặp họ nhiều hơn. Bởi nếu yêu mến nghệ sỹ nào là tôi có thể tới khu trưng bày này là được gặp”, anh Thành nói vui.

NSƯT Kim Tiểu Long với chân dung thần thái khá mạnh mẽ tại khu trưng bày tượng sáp Việt Nam.

Theo anh Thành, việc hình thành nên khu trưng bày này rất ý nghĩa đối với người dân thành phố, bởi nhờ có nơi này mà người dân, du khách thành phố có thể thường xuyên lui tới để gặp “thần tượng” của mình. Ngoài ra, không phải ai cũng biết hết tiểu sử, cuộc đời, công lao của các văn nghệ sỹ, qua khu trưng bày này người xem có thể biết về họ nhiều hơn, để tôn vinh, biểu dương những đóng góp của họ với nền văn hóa nước nhà.

Kỳ công nặn tượng


Ông Tô Trung Kiệt, Giám đốc Nhà hát Hòa Bình, cho biết khu trưng bày tượng sáp nghệ sỹ Việt Nam đã được Công ty cổ phần Tượng sáp Việt đầu tư và thực hiện suốt trong 16 năm với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Khu trưng bày được hình thành với mong muốn lưu lại dấu ấn, tôn vinh sự cống hiến của các văn nghệ sĩ Việt qua nhiều thế hệ và cũng là để khách tham quan có dịp lưu lại những bức ảnh đẹp đối với các nghệ sĩ và thần tượng của mình.


Bên cạnh các tượng sáp, khu trưng bày còn cung cấp thêm thông tin tiểu sử, sự cống hiến của từng nghệ sĩ đối với nền văn hóa nước nhà. Tại khu vực sân khấu chính sẽ tổ chức nhiều buổi giao lưu, gặp gỡ dành cho khách tham quan với các ca sĩ và nghệ sĩ được yêu thích. Qua đó, tạo thêm điểm đến về văn hóa, nghệ thuật, du lịch mới, hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước khi đến thăm TP Hồ Chí Minh.


Để có được những chân dung văn nghệ sỹ trông như thật tại khu trưng bày, phải kể đến công sức to lớn trong nhiều năm qua của ba nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện và Thái Ngọc Bình.


Sự tỉ mỉ, cẩn thận của các nghệ nhân được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt và dáng hình của từng bức tượng. Để bức tượng giống các nghệ sỹ thật, các nghệ nhân đã dùng tóc thật, cắm từng sợi vào đầu của tượng nhằm giúp đường chân tóc giống như tóc mọc thật. Điều khiến mọi người bất ngờ là nhóm nghệ nhân tạo nên bộ sưu tập tượng sáp này không học qua trường lớp điêu khắc, hội họa. Họ chủ yếu dựa vào kiến thức tự học qua nhiều nguồn tài liệu.


Anh Nguyễn Văn Đông, thợ chính làm tượng sáp, cho biết trước đây anh có xưởng kinh doanh tượng nhưng chất liệu chính là composite, đá và chủ yếu làm tượng Phật hoặc chân dung người bình thường. Năm 2001, trong một lần xem phóng sự nước ngoài về nghệ thuật tượng sáp trên truyền hình, anh tò mò, muốn chinh phục loại hình nghệ thuật này. So với các chất liệu khác, sáp giúp thể hiện thần thái nhân vật sống động, có hồn hơn. Tuy vậy, khái niệm tượng sáp vẫn còn mới với nghệ nhân và khán giả trong nước.


"Chúng tôi mất hơn 10 năm để tìm tòi phương thức làm tượng sáp cho văn nghệ sỹ. Chất liệu sáp tổng hợp do chúng tôi mua nguyên liệu thô từ nước ngoài về, pha chế theo công thức riêng, giảm bớt chi phí vì giá nguyên liệu gốc rất đắt. Một bức tượng hoàn chỉnh tiêu mất khoảng từ 200 - 300 triệu đồng. Nhưng như thế cũng rẻ hơn so với giá nước ngoài. Theo tôi biết, một bức tượng sáp tương tự ở Trung Quốc thực hiện có giá đến 500 triệu đồng", anh Đông cho biết thêm.


Trong khi đó, nghệ nhân Thái Ngọc Bình cho rằng, khi làm ra bức tượng, nghệ sĩ chê xấu thì nghệ nhân còn cảm thấy buồn hơn cả nghệ sĩ vì mình đổ công sức ngày đêm thực hiện vào mà không giống, sau đó sẽ phải làm lại. Còn nếu hoàn thành bức tượng được nghệ sĩ bảo giống và ưng ý là nghệ nhân mừng muốn khóc vì công sức của mình đã có kết quả tốt.

Á hậu Trịnh Kim Chi cùng bạn bè nghệ sỹ chụp ảnh với tượng sáp chân dung mình.

Tôn vinh văn nghệ sĩ

Chia sẻ thêm về tiêu chí lựa chọn các nghệ sĩ để làm tượng sáp, nghệ nhân Nguyễn Văn Đông cho hay, những người được chọn là những người có đóng góp lớn cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà và các văn nghệ sỹ nổi tiếng hiện nay. Theo đó, các tác phẩm tượng sáp, được mô phỏng theo vóc dáng, gương mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: Cố giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ Văn Cao, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga, nghệ sĩ Minh Vương, nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ đàn tranh Cát Phượng, MC Trấn Thành, NSƯT Kim Xuân...


Từng tham quan vài bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ, danh nhân ở Mỹ và Singapore, NSƯT Kim Xuân chia sẻ: “Tôi rất vui vì các nghệ nhân đã bỏ công sức mày mò để cho ra người “chị em sinh đôi” của mình với thần thái rất dễ thương, tươi tắn. Khán giả không có dịp gặp tận mặt nghệ sỹ nhưng khi người ta đến TP Hồ Chí Minh tham quan khu trưng bày tượng sáp nghệ sỹ thì người ta có dịp chụp hình cùng thần tượng của mình.


Đây là thông điệp hay, thể hiện sự ghi nhận to lớn về công lao, tài năng của đội ngũ nghệ nhân làm tượng sáp. Người xem khi tham quan không chỉ được tham quan tượng sáp mà còn được xem các tranh ảnh về cuộc đời của các nghệ sỹ. Đây là điều hãnh diện khi người ta đến TP Hồ Chí Minh tham quan và du lịch”.


Được khen là có tượng sáp giống mình, NSƯT Thành Lộc cũng chia sẻ: “Khi nhìn bức tượng, tôi biết các nghệ nhân đã rất tỉ mỉ làm ra nó. Bức tượng này không chỉ giống mà còn toát lên thần thái trong nụ cười, ánh mắt, chỉ có mái tóc chắc phải sửa chút xíu. Chẳng hạn như mắt kính này tôi đã đeo ba mùa chấm “Vietnam's Got Talent”, cái đồng hồ đang đeo tôi cũng lột ra tặng để các bạn trưng bày, bộ áo dài và cả những dây đeo tay...”.


Khu trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 9 đến 21 giờ mỗi ngày, giá vé 100.000 đồng/vé. Doanh thu từ bán vé sẽ được trích ra cho các hoạt động từ thiện, chăm lo cho con em nghệ sĩ nghèo.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Bầu chọn giải thưởng Âm nhạc Công hiến: Nghệ sĩ cũng tìm cách 'lách luật'
Bầu chọn giải thưởng Âm nhạc Công hiến: Nghệ sĩ cũng tìm cách 'lách luật'

Như chia sẻ của BTC, có những nghệ sĩ đã tổ chức các cuộc gặp gỡ với báo chí trước khi diễn ra lễ bầu chọn Giải Âm nhạc để "cảm ơn" trước. Cũng có nghệ sĩ nằm trong diện đề cử đã đề nghị bỏ ra một số tiền rất lớn để hỗ trợ lễ trao giải. Xem ra, cùng với uy tín ngày càng lớn của giải Cống hiến, cũng là những hành động "lách luật" của nghệ sĩ để mong có giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN