Kiến trúc sư Việt Nam: "Nhạc trưởng" của "bản nhạc" kiến trúc đô thị

Lễ kỷ niệm "Ngày Kiến trúc thế giới" (1/10) do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn phối hợp tổ chức sáng 28/9, tại Hà Nội đã thực sự là cơ hội để các kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận về trọng trách lớn lao của mình trong sự phát triển của đô thị Việt Nam...


Với chủ đề "Kiến trúc sư là những người biến đổi đô thị" (chủ đề do Hội Liên hiệp Hội KTS thế giới - UIA chọn), "Ngày Kiến trúc thế giới" năm nay nhằm hưởng ứng phong trào đô thị thế giới do Liên hợp quốc khởi xướng, mang tên "Đô thị tốt hơn, Cuộc sống tốt hơn".


Theo dự báo, dân cư đô thị sẽ chiếm 70% dân số thế giới vào năm 2050, bởi vậy, có một tiến trình thiết yếu mà các đô thị phải đạt được, nhằm đáp ứng nhu cầu cư trú của công dân thế kỷ 21 và mang lại những điều kiện sống hữu ích cho sự phát triển thể chất và tinh thần của họ. Đó là: Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm phát thải ô nhiễm và quản lý hiệu quả hơn các nguồn năng lượng; kiến tạo nên các đô thị mang tính cộng đồng, bình đẳng, dễ tiếp cận, loại trừ sự phân biệt đối xử và nhà ở tạm; phát triển nền kinh tế, giáo dục và các cơ hội sáng tạo cho tất cả; bảo đảm an toàn và các điều kiện vệ sinh cho cuộc sống của mọi cá nhân. Trong tiến trình này, các KTS giữ vai trò cốt yếu bởi "khả năng đương đầu với những thách thức về sự bền vững của đô thị toàn cầu và sự phát triển những công cụ cần thiết để tạo ra những đô thị có khả năng phục hồi và sinh sống bền vững".


Với riêng Việt Nam, sự phát triển đô thị có những đặc thù riêng, và sự phát huy vai trò của các KTS vì vậy cũng lại càng thiết yếu hơn. Theo thống kê, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay là 30,4%, với dân số đô thị chiếm khoảng 27 triệu người. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2040. Với tốc độ tăng GDP tại các khu vực đô thị khoảng 12,6% và đóng góp 70% trong tổng GDP quốc gia, các đô thị Việt Nam đang đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng.


Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh lại cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cuộc sống đô thị như tạo áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng và tăng thêm gánh nặng cho việc cung cấp nhà ở cho người dân. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa, sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, cùng sự gia tăng đáng kể các phương tiện giao thông cơ giới đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và di sản văn hóa đô thị. "Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa cao nhưng không đi kèm với quy hoạch bền vững dẫn đến những hệ lụy như việc chuyển đổi một diện tích lớn đất nông nghiệp và ao hồ thành đất xây dựng đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực, cũng như khả năng chống chịu của đô thị với biến đổi khí hậu"- TS Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc cho biết.


Trong hoàn cảnh như vậy, một đô thị được quy hoạch tốt, phát triển bền vững, giải quyết được những thách thức đô thị hóa sẽ tạo ra những cơ hội sống tốt hơn cho những người hiện đang và sẽ sinh sống ở những đô thị đó. "Là những người được nhân loại giao cho sứ mệnh cao cả là sáng tạo nên kiến trúc đô thị, KTS Việt Nam đang đứng trước vô vàn thách thức. KTS không chỉ là người sáng tạo, mà còn là người tham dự vào quá trình hình thành, đổi thay và phát triển đô thị. Chất lượng đô thị và chất lượng sống của cư dân đô thị có trách nhiệm của KTS"- KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho biết.


Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định: "Đô thị thay đổi từng ngày với những dấu ấn đậm nét sáng tạo của KTS. Tính độc đáo, bản sắc trong cấu trúc từng đô thị chính là điều mà mỗi chúng ta - những người làm nghề, cần phải lưu tâm và tự dặn lòng mình một cách sâu sắc và trách nhiệm. Những công trình của chúng ta, qua "bộ lọc" của thời gian, liệu có trở nên một giá trị đặc biệt, làm nên phần hồn và bản sắc đô thị, hay lại là một cái bóng mờ nhạt không bản sắc? Câu trả lời nằm trong ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, và tình cảm, tâm huyết của từng KTS".


Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, với sứ mệnh như vậy, KTS Việt Nam cần tiếp tục học hỏi, tiếp cận những tư tưởng, xu hướng phát triển đô thị hiện đại và tiến bộ trên thế giới, áp dụng sáng tạo, phù hợp với đặc thù văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam."Cần trân trọng và giữ gìn, phát huy những di sản kiến trúc đô thị của tiền nhân; đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp, bảo vệ sự phát triển bền vững của đô thị cho hôm nay và cho con cháu mai sau" - KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.

 

A.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN