Hà Giang có 19 dân tộc, trong đó người Mông chiếm gần 34% dân số toàn tỉnh, được phân bố rộng khắp ở 11 huyện, thành phố. Trong quá trình cộng cư, đồng bào dân tộc Mông đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần làm phong phú đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam. Một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông đó là cây khèn. Năm 2015, Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Cây khèn là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát vọng, gắn bó trong suốt quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành cho đến hết cuộc đời của người Mông, tiếng khèn vang lên trong không gian núi rừng mênh mông để bày tỏ lòng biết ơn của sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tiếng khèn gọi bạn, tiếng khèn trao duyên... Qua đó, đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Hà Giang, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên sự kiện Lễ hội văn hóa ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam được tổ chức tại Hà Giang, kết hợp với Festival khèn Mông để người dân địa phương và du khách có thêm không gian trải nghiệm văn hóa của 3 miền tại mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Mong rằng, thời gian lưu lại Hà Giang để lại cho quý vị đại biểu và du khách nhiều trải nghiệm thú vị về một vùng đất giàu lòng mến khách, ấm áp tình người.
Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang và Lễ hội Văn hóa Ẩm thực ba miền Bắc - Trung - Nam năm 2023 diễn ra đến ngày 24/4. Trong khuôn khổ sự kiện có các hoạt động như: Lễ hội ẩm thực 3 miền, chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Ban Tổ chức chương trình cũng tổ chức công bố 50 món ẩm thực, đồ uống chế biến từ tam giác mạch; giao lưu, trao đổi với nghệ nhân, thử nghiệm, tham gia quy trình chế biến ẩm thực tại các gian trưng bày mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Du khách còn được tận mắt chứng kiến tái hiện lễ hội Gầu Tào, trình diễn múa khèn tập thể của các nghệ nhân, kỹ thuật chế tác khèn Mông, thi dệt vải lanh; tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như đan quẩy tấu, may trang phục dân tộc Mông, dệt thổ cẩm, mua sắm các sản phẩm nông sản đặc trưng, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số mang phong cách riêng đặc trưng của văn hóa của Hà Giang.
Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu” bảo vệ vững chắc biên cương. Vào mùa xuân, sắc hồng của hoa đào, hoa lê, hoa mận đã mang màu áo mới đến cho cả một vùng núi đá Hà Giang. Với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Hà Giang trở thành “nơi ước đến” của du khách trong và ngoài nước.
Hà Giang còn có các địa danh nổi tiếng như núi đôi Quản Bạ, phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, chợ phiên Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đỉnh Tây Côn Lĩnh… Đây còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc như: Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, La Chí... Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục riêng, độc đáo, khó nơi nào có được.
Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, cùng hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, giá trị văn hóa đa dạng, phong phú Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Quý I năm 2023, Hà Giang đã đón trên 700.000 lượt khách.
Năm 2023, tỉnh Hà Giang được kênh CNN bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua kỳ tái đánh giá lần thứ III.