Đêm 14 tháng Giêng Âm lịch (tức đêm 23/2), Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) Xuân Quý Tỵ 2013 đã khai mạc tại đền Thiên Trường. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định, cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương.
Chen nhau ném tiền vào kiệu rước. |
Đây là năm thứ hai Lễ hội Khai ấn được tổ chức theo kịch bản mới do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Nam Định xây dựng, và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.
Sau nghi lễ dâng hương, đúng 22 giờ 40, kiệu ấn được 120 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mạc, phường Lộc Vượng rước từ đền Cố Trạch thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần. Sau bài diễn văn của Chủ tịch UBND thành phố Nam Định ca ngợi công lao to lớn của Vương triều Trần, nêu cao ý nghĩa của tục lệ Khai ấn xưa, nghi lễ khai ấn được thực hiện hết sức trang nghiêm vào đúng giờ Tý tại nội cung đền Thiên Trường theo nghi thức truyền thống.
* Cũng đêm 14 tháng Giêng, tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân (Hà Nam), UBND huyện Lý Nhân tổ chức Lễ hội phát lương Đền Trần Thương theo nghi thức cổ truyền. Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Tại 29 điểm phát lương, các vị cao niên trong làng, trong trang phục áo đỏ, đầu đội khăn xếp, đã phát lương cho du khách thập phương. Túi lương năm nay gồm ấn, thẻ và 3 loại hạt chủ lực trong sản xuất của vùng đất Lý Nhân là ngô đỏ, đậu tương và hạt thóc nếp cái hoa vàng.Tuy lượng du khách về đền Trần Thương rất đông, nhưng mọi hoạt động đều diễn ra trật tự, an toàn, do BTC đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Lễ phát lương đền Trần Thương diễn ra đến hết ngày 16 tháng Giêng.
Chen lấn, cướp lộc
Tuy nhiên, lễ Khai ấn đền Trần năm nay vẫn còn diễn ra nhiều cảnh chưa đẹp mắt. Khi đoàn rước kiệu các vua Trần đi vào sân đền Thiên Trường, rất đông khách thập phương ở nơi đoàn rước kiệu đi qua và trong khu vực sân đền đã tìm đủ mọi cách để ném những tờ tiền đủ các loại mệnh giá được gấp nhỏ vào chiếc kiệu. Những cơn “mưa tiền” như những đàn châu chấu rào rào bay vào những chiếc kiệu, bắn ra xung quanh. Để cố ném cho được tiền vào kiệu, có người đã phải ném tiền rất nhiều lần. Một du khách hồ hởi khoe, sau khoảng 20 lần ném, anh đã ném được đồng tiền vào kiệu 1 lần... Sau khi kiệu đi qua, rất nhiều người lại tranh nhau xông vào nhặt những đồng tiền vừa được ném để nhặt lấy “lộc Thánh”. Người nhặt được lộc thì hỷ hả, soi xem tờ tiền của mình có số sêri là bao nhiêu, người không nhặt được lộc thì tỏ vẻ tiếc rẻ...
Trong khi ban tổ chức không ngừng thông báo trên loa, là mọi người không được tự ý lấy hoa quả, đồ thờ cúng ở trên kiệu, trên bàn thờ mà hãy trật tự xếp hàng để được nhận lộc do nhà đền phát ra, thì nhiều người vẫn bỏ ngoài tai lời nhắc nhở, xông vào tranh cướp và cố giành cho mình một nhành hoa, một cây nến hay bất cứ thứ gì có thể lấy được trên ban thờ của nhà đền... Cướp được lộc, lại chen lấn, thậm chí dẫm trên vai người khác để ra ngoài. Trong quá trình chen lấn vào đền, ở khu vực cổng chính vào đền, một cụ bà hơn 60 tuổi đã bị xô ngã, bị nhiều người dẫm lên và ngất xỉu, phải mất một lúc lâu mới tỉnh lại!
Để xin được lộc nhà đền đầu năm, rất nhiều người cố gắng chen vào trong đền, cửa ra vào đền Thiên Trường luôn chật cứng người, tình trạng chen lấn nghẹt thở đó diễn ra trong vòng khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ, đến tầm 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng, lượng khách bắt đầu thưa dần. Mướt mồ hôi mới chen được ra ngoài, ông Nguyễn Văn Vinh, một du khách đến từ Hà Nam cho biết: “Người đông quá, chen vào đã khó, chen ra còn khó hơn. Năm sau chắc chắn sẽ không đi vào giờ này, vì đằng nào cũng không lấy được ấn, lại chen lấn khổ sở...”.
Tình trạng ăn xin, ăn mày vẫn xuất hiện. Nạn trộm cắp ở khu vực đền Trần năm nay vẫn hoành hành, nhiều du khách trong quá trình chen chân vào đền Trần đã bị kẻ gian lấy trộm điện thoại, ví tiền... Rất nhiều người bị mất ví, giấy tờ và điện thoại đã khai báo mất cắp với ban tổ chức.
Dẫm đạp nhau để lấy ấn
Sáng sớm ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ, lễ phát ấn đền Trần (Nam Định) cho du khách thập phương đã diễn ra tại ba nhà Giải vũ và nhà trưng bày của đền Trùng Hoa, chất liệu phôi ấn năm nay là một loại giấy màu vàng.
Mặc dù thông báo của Ban tổ chức là 7 giờ sáng mới phát ấn, nhưng từ 6 giờ 30 phút, ấn đền Trần đã được phát ra. Khoảng 30 phút đầu khi ấn mới được phát, trước cửa các nhà Giải vũ vô cùng lộn xộn, hàng trăm người chen lấn, xô đẩy nhau vào lấy ấn, nhiều người đu cả lên mái nhà, trèo cả lên cửa sổ. Đến khi lấy được ấn, thì lại trèo lên thanh chắn ngang, thậm chí dẫm lên vai, lên đầu người khác để đi ra. Rất nhiều người sau khi chen ra được đến ngoài, đều lắc đầu ngao ngán, cám cảnh. Vẻ mặt vừa bơ phờ, vừa thất thần, dường như vẫn chưa kịp “hoàn hồn” sau thời gian chen lấn để lấy ấn, anh Trần Văn Huân (Thái Bình) cho biết: “Thật khủng khiếp, không thể tưởng tượng được. Tôi bị người ta dẫm đạp cả lên đầu, lên vai để đi vào, đến tận bây giờ vẫn còn tức ngực, khó thở. Chả biết có may không, nhưng lần sau tôi cạch đến già, chắc chắn sẽ không chen vào lấy ấn nữa...”.
Tình trạng lộn xộn này chỉ kết thúc sau đó gần 1 tiếng, sau khi lực lượng an ninh tham gia can thiệp, hướng dẫn du khách xếp hàng đi vào một đường, sau khi lấy được ấn thì đi ra cửa khác, việc phát ấn mới dần đi vào trật tự.
Theo thông báo của ban tổ chức, lượng ấn phát ra năm nay sẽ đủ cho du khách thập phương. Tuy gọi là phát lộc ấn của nhà đền, nhưng “giá” trung bình để được phát 1 lá ấn là 15.000 - 20.000 đồng. Cũng theo thông báo, mỗi người sẽ được phát 2 lá ấn, nhưng nếu có người muốn lấy nhiều hơn, thì cứ theo mức giá trung bình nhân lên, số ấn sẽ được phát ra tương ứng. Ngoài cửa đền, một số phe ấn vẫn gạ bán ấn cho khách với giá 50.000 đồng/tờ. Tuy nhiên, trên loa phát thanh, Ban tổ chức thường xuyên nhắc nhở du khách là không nên mua ấn bên ngoài, dễ mua phải ấn giả.
TTN - Lộc Phương Lan