Ông Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho biết: Danh hiệu UNESCO không phải là mục tiêu mà là chất xúc tác tích cực, góp phần định hướng cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa của các quốc gia. Ý nghĩa đích thực của mỗi di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận không chỉ dừng lại ở chiếc bằng chứng nhận của UNESCO mà là công việc to lớn liên quan đến chính sách, đầu tư và vận động xã hội để phát huy ý nghĩa và giá trị của các di sản, phục vụ các mục tiêu mang tính nhân văn, hướng thượng của đời sống.
Bà Tatiana Bogina - Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các Trung tâm và CLB UNESCO Ural-Siberia Liên bang Nga, cho rằng: “Một trong những cách hiệu quả để quảng bá các đối tượng di sản văn hóa và thiên nhiên của các quốc gia trên thế giới là sự hợp tác giữa các tổ chức". Đơn cử như Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp các trung tâm và câu lạc bộ UNESCO của Ural-Siberia đã triển khai dự án bộ sách "Kho báu quốc gia của Việt Nam". Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu cố đô Việt Nam - thành phố Huế và Thành cổ nổi tiếng của triều đại cuối cùng của các hoàng đế nhà Nguyễn. Cuốn sách được viết bởi hai tác giả từ hai nước. Nếu khái quát vai trò của từng người, tác giả người Việt Nam đảm bảo độ tin cậy và tính đầy đủ của thông tin, cung cấp các đặc điểm quốc gia trong từng sự kiện, địa điểm, hành vi, còn tác giả người Nga xác định góc độ và bố cục trong việc trình bày tư liệu và hình ảnh khi nhìn vào truyền thống Việt Nam từ quan điểm của người châu Âu.
“Hiện có 1.121 di sản trong danh sách di sản Thế giới. Để quảng bá, mỗi quốc gia nên có một cuốn sách bằng ngôn ngữ bản địa và một ngôn ngữ khác” bà Tatiana Bogina nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Ngày 8/12/2017, hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên cơ sở chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2018 - 2023), tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2020 - 2025”; Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ thay thế Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ đã được ban hành năm 2012.
Từ danh hiệu này, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản hát Xoan Phú Thọ với nội dung, hình thức phong phú, đa ngôn ngữ trên nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức và mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong nước và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. “Tỉnh đã gắn kết hát Xoan Phú Thọ với hoạt động du lịch, kết nối các di tích tại các phường Xoan với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các di tích lân cận trên địa bàn thành phố Việt trì tạo thành trục văn hóa tâm linh và không gian văn hóa hát Xoan - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhờ đó đã giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn, gìn giữ di sản và phát triển du lịch, xây dựng các chương trình hát Xoan phù hợp phục vụ khách du lịch. Nguồn khách du lịch gia tăng góp phần thúc đẩy các CLB hát Xoan được mở rộng”, ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết.
Từ những mô hình đã làm tốt công tác bảo tồn các di sản văn hóa như Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn khuyến khích hội viên của mình và kêu gọi cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn các di sản quốc gia, đặc biệt là đối với các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.