Trong những scandal ấy, có cái là scandal do “cảm quan”: Ảnh Hoa hậu đêm chung kết quá xấu, môi như “con đỉa” khiến vô số người vào lên án. Có cái là scandal “có bằng có chứng”: Hoa hậu từng phẫu thuật thẩm mỹ, liệu có vi phạm quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) về việc thí sinh thi Hoa hậu, người đẹp phải chưa từng phẫu thuật thẩm mỹ? Có scandal là “tin đồn”: Thí sinh dự thi phải đi tiếp rượu, thí sinh dự thi phải cởi đồ trước mặt bác sĩ nam.
Tân Hoa hậu Đại dương, Lê Âu Ngân Anh, bị chê quá xấu và bị tố đã từng phẫu thuật thẩm mĩ. |
Ở đây, khoan không nói việc BTC cuộc thi có sai phạm không, bởi phải chờ khi BTC có giải trình, Bộ VHTTDL có kết luận, lúc đó mới là “trắng- đen”. “Án tại hồ sơ”, dù dư luận có sức mạnh ngày càng vô biên trong xã hội này, nhưng vẫn cẩn phải tỉnh táo để không bị cuốn theo, không bị mang tiếng a dua vướng vào.
Nhưng ở đây, có câu chuyện về quản lý, mà cái này thì có bằng chứng. Thi Hoa hậu, từ lâu đã là chuyện nhiều “lùm xùm”, dù nó liên quan đến cái đẹp, nhưng lại rất dễ dính tới cái xấu. Ý như chuyện mua giải, ý như chuyện phông văn hóa của thí sinh hoa hậu ; mà bằng chứng là mỗi lần tới phần thi ứng xử là lúc khán giả chờ xem… truyện cười; cuộc thi Hoa hậu Đại dương vừa rồi cũng không ngoại lệ.
Rồi chuyện đạo đức của thí sinh, của Hoa hậu sau cuộc thi; như việc Hoa hậu sau khi đăng quang thì thường “bỏ quên” trách nhiệm xã hội mà mình đã từng hứa rất nhiệt tình khi dự thi. Hay việc các thí sinh không đạt giải, vốn trong quá trình dự thi thì “ngoan không bút nào tả xiết”, nói gì cũng nghe, chưa bảo đã nhiệt tình thực hiện; nhưng lúc này sẽ “không còn gì để mất”, tìm cách “quậy tung” , tố cáo BTC. Những lời tố cáo, có khi chính xác; nhưng cũng có khi là mang ác ý.
Vì những vấn đề này, rất nhiều BTC cuộc thi đã đau đầu để giải quyết, uy tín nhiều cuộc thi cũng vì thế mà “sứt mẻ” không đáng có. Bởi dư luận, chỉ cần nghe tới các thí sinh tố cáo, là thường mặc định BTC có sai phạm. Lòng tin vào những cuộc thi Hoa hậu đã bị mài mòn từ lâu, nên không thể trách có điều này.
Thực trạng thì ngổn ngang như vậy, nhưng nhà quản lý, thay vì có những điều chỉnh về quy định cho phù hợp, cho sát với thực tế nhất; thay vì “siết” chặt hơn với các cuộc thi để quản lý cho chặt, nâng cao chất lượng; lại có xu hướng “bung” ra như kiểu “trăm hoa đua nở”, mỗi năm cấp phép cho tới hàng chục cuộc thi Hoa hậu, người đẹp.
Đơn cử như năm 2017 này, về cuộc thi cấp quốc tế có : “Hoa hậu Hòa bình Thế giới” (Miss Grand International 2017, vừa kết thúc), “Hoa hậu Hữu nghị ASEAN”; cấp quốc gia có: “Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017” (đang chuẩn bị chung kết), “Hoa hậu Đại dương 2017” (vừa kết thúc và đang trong “vũng bùn” của lùm xùm); cuộc thi cấp ngành, địa phương có: “Nữ hoàng trang sức 2017”, “Hoa khôi Du lịch Việt Nam”, Hoa khôi Nam Bộ 2017, Hoa khôi Sinh viên Việt Nam…
“Quản chưa xong, mà lại còn “bung” thì việc chất lượng các cuộc thi không cao là điều dễ hiểu, chưa kể dẫn tới những bất cập, lùm xùm, tồn tại trong các cuộc thi, khiến dư luận ngày càng mất lòng tin với Hoa hậu, người đẹp”, một khán giả chia sẻ.
Trên thực tế, quy định về thi hoa hậu, người đẹp hiện chỉ có trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP năm 2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, ở phần quy định thi người đẹp người mẫu. Nghị định này ngay khi ra đời đã bộc lộ bất cập, đơn cử như không có quy định về xử phạt trong trường hợp hoa hậu vi phạm những cam kết tại cuộc thi. Điều này đã được chính một Thứ trưởng Bộ VHTTDL lúc đó thừa nhận.
Để điều chỉnh, bổ sung Nghị định 79, mới đây Bộ VHTTDL Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79; trong đó cụ thể hóa những quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu. Điểm mới nhất của Thông tư 01 là quy định về việc các thí sinh đạt giải, “trong thời gian tối đa 24 tháng, kể từ ngày đạt giải nhất trong cuộc thi người đẹp, người mẫu, phải thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện theo kế hoạch của Ban tổ chức cuộc thi đã được cơ quan cấp phép phê duyệt”.
Với một “hành lang pháp lý” giản dị như vậy, lại đặt trong một lĩnh vực nhạy cảm là thi hoa hậu, người đẹp… nên rõ ràng việc vi phạm, “còn tồn tại”, nhiều sự “tùy tiện” là không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, có một thực tế cũng đã nhắc tới nhiều, nhưng cũng chưa có một quy định nào xử lý, đó là về đạo đức của thí sinh thi hoa hậu. Với những người trong cuộc, có một thực tế ai cũng thừa nhận là khi dự thi, thí sinh nào cũng có mong muốn giành giải. Nhan sắc cũng có thước đo, có sự định tính, định lượng; nhưng cũng lại có sự “tùy hứng” của nó, nên ai cũng cho rằng mình là xứng đáng với ngôi vị nào đó của cuộc thi (nếu không, đã không đăng ký dự thi).
Và niềm tin ấy được các thí sinh, người nhà, “ông bầu” (nếu có) nuôi dưỡng suốt quá trình dự thi, chăm chút suốt quá trình dự thi, thậm chí “đầu tư” suốt quá trình dự thi bằng việc xây dựng một hình ảnh đẹp nhất có thể, nhân ái nhất có thể, ngoan ngoãn nhất có thể. Cho tới khi kết quả đưa ra, điều mình mong đã không thành sự thật, nhiều thí sinh thì chấp nhận, nhưng cũng có những thí sinh và “ông bầu” chọn cách “làm loạn”, đưa ra những tố cáo sai lệch, theo dạng “tin đồn”, dẫn tới khiến dư luận càng hoang mang và mất lòng tin hơn.
Vậy nên, bên cạnh việc “phán xử” BTC cuộc thi, việc xây dựng một cơ chế quản lý phù hợp và nghiêm khắc cho lĩnh vực này, cũng cần có những quy định xử phạt nặng và nghiêm về những hành vi có tính “ăn cháo đá bát”. Trên thực tế, cũng đã có nhiều thí sinh vì những phát ngôn, những việc tung tin thất thiệt, đã bị cơ quan công an xử lý, bị chính những thí sinh dự thi lên án, tẩy chay.
Quay trở lại vụ việc của Hoa hậu Đại dương 2017, dường như cũng đã có “mùi” ở kết quả cuộc thi, lý do là thường trong các cuộc thi, thí sinh đã từng phẫu thuật thẩm mỹ có thể tiếp tục tham gia thi, nhưng sẽ không có khả năng giành giải, bởi dù đã tháo ra, nhưng việc đã “đụng” dao kéo vẫn là vi phạm quy định. Nên có thể, việc tố cáo là có căn cứ.
Còn về vấn đề Hoa hậu đêm chung kết quá xấu, chỉ nên coi đó là một quyền bình phẩm của dư luận, dựa trên chính những bức ảnh cho BTC cuộc thi đưa ra. Và đây, không thể coi là sai phạm, nhất là khi trên thực tế, những bức ảnh ở các hoạt động khác, hình ảnh của Ngân Anh khá nổi trội.
Tuy nhiên, kết luận cuối cùng, vẫn phải chờ cơ quan chức năng. Không nên quá ầm ĩ về một cuộc thi, nhất là khi ngay từ đầu chúng ta cũng đã đánh giá đây không phải là một cuộc thi tầm cỡ.