6 tháng sau khi thực hiện Chỉ thị 65/CT- BVHTTDL, những vi phạm trong việc ăn mặc hở hang, phản cảm, hát nhép, đàn nhép tuy đã giảm hẳn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc quản lý, giám sát.
Phạt nặng, chế tài chặt chẽ hơn nữa
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, diễn ra sáng 19/10, đã khẳng định: Chỉ thị đã góp phần hạn chế các sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sỹ. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, vẫn cần phải phạt nặng và có chế tài chặt chẽ hơn nữa.
Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL từ tháng 4 - 10/2012, số vụ vi phạm đã bị xử lý trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong cả nước đã bằng cả năm 2011. Nhiều đơn vị tổ chức vi phạm nhiều lần liên tục bị phát hiện như Công ty TNHH Biểu diễn nghệ thuật Ba miền (Thanh Hóa), Công ty Cổ phần truyền thông và sự kiện Hiệp hội Ca sỹ Việt Nam (Thanh Hóa), Công ty TNHH Bông hồng trắng (Hải Dương)… Riêng số tiền phạt hành chính trong 6 tháng qua lên đến hơn 439 triệu đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, số các vụ vi phạm lớn từ tháng 4-10/2012 là 8 vụ, với mức phạt từ 4,5 triệu đồng đến 15 triệu đồng, bằng tổng số vụ vi phạm của năm 2011.
Các hình thức biến tướng của việc hát nhép, đàn nhép cũng diễn ra khó kiểm soát, đòi hỏi phải có chế tài xử phạt “uyển chuyển” hơn. Đại diện Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết: Hiện các ca sỹ hát nhép rất tinh vi. Họ không hát nhép cả bài mà đoạn nào khó thì hát nhép, đoạn nào dễ thì hát thật, khiến cho các cơ quan giám sát khó phát hiện và xử phạt. “Nếu cán bộ Sở VH-TT&DL không vào được phòng máy thì không thể phát hiện ra hát nhép. Mà muốn vào phòng máy thì không đủ thẩm quyền”, đại diện này cho biết.
Linh hoạt quản lý
Trên thực tế, việc cấp phép biểu diễn đang tốn quá nhiều thời gian của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đại diện của Sở VHTTDL Đà Nẵng thì nên cho phép Sở VHTTDL thêm quyền duyệt và cấp giấy phép cho các chương trình nghệ thuật diễn ra tại địa phương nhưng do một đơn vị tổ chức ngoài địa phương thực hiện. Điều này sẽ giúp cho Cục Nghệ thuật biểu diễn đỡ gánh nặng quản lý, mà địa phương giám sát thì dễ dàng và hiệu quả hơn.
Còn ông Trần Thanh Long - Giám đốc Công ty người mẫu PL chia sẻ: “Nhiều chương trình trình diễn thời trang giới thiệu các bộ sưu tập đồ lót tại các quán bar, vũ trường mà tôi biết chỉ diễn ra từ 8-10 phút. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, các đơn vị quản lý sẽ kiểm soát, phát hiện ra sao nếu như không có một lực lượng phản ứng nhanh. Thi thoảng có vụ việc nào đó một nhà báo vô tình ghi hình lại được, đưa lên báo thì cơ quan quản lý mới biết và xử lý khi việc đã rồi”.
Về vấn đề này, đại diện Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, với số lượng hàng trăm quán bar, phòng trà, sân khấu, tụ điểm ca nhạc, số lượng chuyên viên ít ỏi của Sở VHTTDL không thể bao quát nổi mặc dù công tác này được tăng cường lên nhiều lần kể từ sau Chỉ thị 65. Bởi vậy, đơn vị này cố gắng tuyên truyền nhận thức cho các đơn vị tổ chức nghệ thuật và nghệ sỹ bằng các cuộc tọa đàm, gặp gỡ riêng. Báo chí cũng là kênh tuyên truyền quan trọng và hiệu quả, bởi vậy, những sai phạm của các ca sỹ nổi tiếng trong ăn mặc hở hang trước đây ở TP.HCM nay đã giảm hẳn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn khẳng định, Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang là thành quả rất quan trọng mà Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan, cá nhân có liên quan đạt được. Lần đầu tiên, ngành nghệ thuật biểu diễn có một văn bản quy phạm pháp luật riêng do Chính phủ ban hành. Nghị định 79 sẽ là hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức, cá nhân tuân thủ và thực hiện, góp phần đưa hoạt động nghệ thuật đi vào nề nếp, theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được Bộ VHTTDL tập hợp và điều chỉnh khi lập thông tư hướng dẫn.
An An