Nhiều địa phương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai. Bước đầu, việc xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân.
Nhiều điểm sáng
Tiêu chí để đạt phường, thị trấn văn minh đô thị là phát triển toàn diện trên các mặt đời sống, từ quản lý kiến trúc, xây dựng đến các hoạt động văn hóa, thể thao… Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân.
Quận Tây Hồ là địa phương sớm triển khai xây kế hoạch này với mục tiêu 40% phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 8/8 phường đạt tiêu chí Phường văn hóa năm 2025. Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, mô hình Phường văn hóa là một sáng tạo của quận trong thực hiện các phong trào văn hóa, xây dựng đô thị văn minh. Đến hết năm 2021, toàn quận đã có 5 phường đạt chuẩn Phường văn hóa. Điều này giúp các địa phương từng bước tiếp cận với tiêu chí phường chuẩn văn minh đô thị. Do đó, các phường Nhật Tân, Quảng An… đang nỗ lực để về đích đúng kế hoạch.
Quận Ba Đình chọn Điện Biên trở thành phường điểm để xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị. Từ khi triển khai, cảnh quan môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn đã có nhiều cải thiện. Phường đã phân công lực lượng cụ thể, kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về bán hàng rong không đúng quy định, vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…; đồng thời, thường xuyên duy trì tổng vệ sinh, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; bóc, xóa quảng cáo rao vặt tại các ngõ, phố, địa điểm công cộng… Phường đã xây dựng Nguyễn Thái Học là tuyến phố điểm về quảng cáo. Đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 24 biển hiệu điện tử, 22 biển hiệu sai quy định; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết 100% tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh mặt phố thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng tuyến phố điểm về văn minh đô thị.
Quận Hà Đông cũng là một trong những địa bàn khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng phường văn minh đô thị. Phó Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông Vũ Minh Thu cho biết: Quận triển khai xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị tại 5 phường, gồm: Văn Quán, Mộ Lao, Hà Cầu, Phú La, Phú Lãm. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, gìn giữ kỷ cương trên địa bàn. Năm 2023, quận Hà Đông mới tổ chức đánh giá, bình xét xem những địa phương nào có khả năng hoàn thành. Quận phấn đấu có 2 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Gỡ khó để đảm bảo đích đến
Bên cạnh các địa phương tích cực triển khai, còn không ít địa phương còn dè dặt, dẫn đến việc đăng ký số phường đạt chuẩn văn minh đô thị còn thấp (như: Quận Bắc Từ Liêm chỉ đặt chỉ tiêu 3/13 phường đạt chuẩn) bởi vì đều kêu khó trong triển khai các tiêu chí. Theo đó, phường đạt chuẩn văn minh đô thị có tới 9 tiêu chí lớn và hàng chục tiêu chí thành phần, bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa. Các tiêu chí về quy hoạch, xây dựng, giao thông, chiếu sáng, việc làm… đều cơ bản thực hiện tốt. Khó nhất vẫn là tiêu chí văn hóa, thể thao như: 90% tổ dân phố thuộc phường, 80% tổ dân phố thuộc thị trấn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả; hoặc nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích. Đây là điều bất khả thi với hầu hết các phường thuộc các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa… do không có quỹ đất xây dựng. Ngay cả quận mới như Hà Đông, vấn đề quỹ đất không quá nan giải cũng đang gặp khó. Hiện 49/250 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Thậm chí, phường Phú Lãm là địa phương đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị nhưng hiện mới có trung tâm thể thao, chưa có nhà văn hóa.
Phó trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Thành Tuyên cho biết, nhiều quận đều vướng mắc về tiêu chí văn hóa, thể thao nên không đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Với tiêu chí này, các địa phương có thể xem xét giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu xen kẹt, các công trình sử dụng không hiệu quả để xây dựng thiết chế văn hóa. Những nơi không có khả năng bố trí quỹ đất, có thể đặt vấn đề với các trung tâm văn hóa hay các thiết chế văn hóa của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể… đóng trên địa bàn chưa sử dụng hết công suất để xây dựng quy chế phối hợp, khai thác nhằm mang lại hiệu quả về đời sống văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Hiện. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tích cực vào cuộc, phối hợp với các địa phương nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo kế hoạch thành phố đề ra.