Giữ gìn trang phục truyền thống phụ nữ dân tộc Cống

Dân tộc Cống là một trong những dân tộc ít người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ngày nay, cùng với xu thế phát triển và hội nhập, mặc dù có nhiều thay đổi trong đời sống vật chất, tinh thần nhưng cộng đồng người Cống vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc trưng riêng, đặc biệt là nét đẹp trong trang phục truyền thống.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Cống thường mặc trang phục truyền thống vào những ngày trọng đại của bản, gia đình. 

Xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Cống với hai bản: Púng Bon và Huổi Moi. Toàn xã có 88 hộ dân tộc Cống với hơn 400 nhân khẩu. Theo bà Vì Thì Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, những năm qua, đồng bào Cống được thụ hưởng nhiều đề án, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người, đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Cống trên địa tỉnh Điện Biên”. Từ đó đã tạo được những chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Cống cùng nhau may trang phục truyền thống.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cống, thời gian qua, huyện Điện Biên đã phối hợp với UBND xã Pa Thơm triển khai nhiều dự án, tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cống như: Mở lớp dệt, cắt may trang phục; tổ chức Tết Hoa mào gà; mở lớp dạy múa… Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc phát huy, giữ gìn nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của dân tộc; góp phần giáo dục, truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Cống may trang phục truyền thống. 

Ngoài Pa Thơm, cộng đồng dân tộc Cống còn sinh sống tại bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) và bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé). Đối với người Cống, nghề làm trang phục truyền thống ra đời từ nhu cầu cuộc sống của đồng bào. Ban đầu, trang phục có vai trò bảo vệ, che chắn cho cơ thể để đối phó với thiên nhiên như: sự xâm hại của côn trùng, cái nóng, lạnh và sự thay đổi bất thường của thời tiết. Sau này, trang phục giúp tôn lên vẻ đẹp của con người. Từ đó trong quá trình làm ra trang phục, đồng bào dân tộc Cống đã biết sáng tạo ra các họa tiết, hoa văn mới.

Cùng với xu hướng phát triển chung của đất nước, sự giao lưu, hòa nhập văn hóa, trang phục dân tộc Cống hiện nay có đôi nét giống với trang phục của người Thái, Lào…, góp phần làm phong phú, đa dạng trang phục của dân nơi đây. Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cống khá sinh động. Đây là sản phẩm vật chất của lao động, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa thể hiện kỹ thuật thủ công gắn liền với khả năng thẩm mỹ và mang nét văn hóa độc đáo riêng.

Chú thích ảnh
Chiếc áo truyền thống của phụ nữ dân tộc Cống được may bằng vải dệt thủ công, nhuộm chàm. 

Trang phục của phụ nữ Cống khá đơn giản, không phân biệt theo lứa tuổi, bao gồm: áo, váy, khăn và một số đồ trang sức. Chiếc áo truyền thống của phụ nữ dân tộc Cống được may bằng vải dệt thủ công của người Thái, nhuộm chàm. Áo được may bó sát người, tà áo chéo cài sang một bên sườn, ống tay dài. Hai bên tà áo được nẹp các sọc vải dệt của dân tộc màu đỏ, đen, xanh, trắng…

Váy làm từ vải bông, thường là màu nâu đậm hay màu chàm đen; được khâu bằng tay, cạp váy to có ốp vải màu xanh hoặc đen chàm. Phần thân váy thường được trang trí các họa tiết hình tam giác, kẻ sọc ngang và dọc, hình hoa màu xanh, vàng, nâu đan xen.

Chú thích ảnh
Chiếc khăn đội đầu không chỉ để che nắng, che mưa mà còn giúp khuôn mặt người phụ nữ Cống thêm tươi tắn, sinh động. 

Khăn của người Cống được may bằng vải đen nhuộm chàm, rộng 40 cm, dài hơn 2 m, khi đội hoặc quàng gấp miếng vải thành 2 - 3 lượt tùy người thích rộng hay hẹp. Dọc hai đầu khăn được khâu theo kiểu vặn thừng thành hai đường, một đường chỉ xanh và một đường chỉ đỏ. Chiếc khăn đội đầu không chỉ để che nắng, che mưa mà còn tạo cho khuôn mặt người phụ nữ thêm tươi tắn.

Chị Nạ Thị Ban, người dân tộc Cống ở xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) cho biết, ngày nay với cuộc sống hiện đại và để thuận tiện cho công việc nương rẫy hằng ngày, cộng đồng người Cống không thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Bởi vậy, trang phục truyền thống chủ yếu được mặc vào các dịp trọng đại như lễ, Tết hay sự kiện của bản, gia đình. Đây là cơ hội để chị em diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất với niềm tự hào về văn hóa của người dân tộc Cống.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Cống may trang phục truyền thống. 

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cống xuất phát từ nhu cầu của đời sống thường ngày, thể hiện sự sáng tạo của con người, thông qua trang phục còn ẩn chứa những giá trị văn hóa tinh thần và xã hội, gắn với sinh hoạt, nếp sống văn hóa của gia đình và cộng đồng. Với cách trang trí, chắp ghép vải tinh tế, độc đáo, đường thêu hoa văn khéo léo đã thể hiện tính thẩm mỹ, lịch sử và văn hóa của dân tộc Cống. Điều này được thể hiện qua hình dáng, màu sắc các họa tiết hoa văn trên mỗi loại trang phục để phù hợp với tâm lý, giới tính, lứa tuổi.

Hiện nay, việc tạo ra những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Cống đã bị mai một, chỉ còn một số người cao tuổi nhớ được cách thức, quy trình làm ra những bộ trang phục của nữ giới và nam giới. Một số ít hộ dân còn giữ được những bộ trang phục mang tính truyền thống về kiểu dáng, hoa văn nhưng có sự thay đổi về chất liệu vải. Họ sử dụng chủ yếu là chất liệu vải công nghiệp được bán sẵn trên thị trường. Một số họa tiết trang trí, thêu, ghép... cũng đang dần mai một và được thay thế bởi hoa văn dệt sẵn không đúng với hoa văn truyền thống.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Cống thành hành may trang phục dân tộc tại lớp truyền dạy làm trang phục truyền thống dân tộc Cống do Bảo tàng tỉnh Điện Biên tổ chức. 

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên Đặng Trọng Hà, để bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cống, năm 2022, đơn vị đã mở lớp truyền dạy nghề cho các học viên từ 15 - 50 tuổi có khả năng thực hành và truyền dạy cho những người khác trong cộng đồng. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân am hiểu về trang phục truyền thống của dân tộc Cống, các học viên được truyền dạy thực hành cách thức hoàn thiện hai bộ trang phục của nam và nữ; bao gồm các quy trình: chuẩn bị nguyên liệu; kỹ thuật đo, cắt, khâu, chắp, ghép, can vải màu; thêu hoa văn; làm cúc và khuy áo... Đây là hoạt động thiết thực giúp cộng đồng người Cống nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy bộ trang phục truyền thống nói riêng, giá trị văn hóa dân tộc nói chung.

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)
Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Sán Dìu
Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Sán Dìu

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hàng chục dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Sán Dìu có số lượng trên 30.000 người, phân bố rải rác ở các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào về cơ bản vẫn được gìn giữ, đặc sắc nhất phải kể đến trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Sán Dìu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN