Liên hoan diễn ra trong hai ngày, từ 22 - 23/11, thu hút 8 đội đến từ các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh. Các đội trình diễn cả hai loại hình Hòa tấu Nhạc ngũ âm và Múa dân gian Khmer (Rom vong, Saravan, Sarikeo...). Nội dung các tiết mục dự thi Ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về biển đảo quê hương, quá trình xây dựng và phát triển của địa phương.
Qua hai ngày tranh tài sôi nổi, ở phần thi Giải Dàn nhạc Ngũ âm, Giải A được trao cho đội Chùa Dì Quán, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân; hai Giải B thuộc về đội Chùa Cũ, huyện Hòa Bình và đội Chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. 5 Giải C trao cho các đội: Chùa Khóm 1, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai; Chùa Đìa Chuối, Chùa Mới, huyện Hòa Bình; Chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long; Chùa Giữa, huyện Vĩnh Lợi.
Đối với Giải Múa dân gian Khmer, Giải A thuộc về đội Chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu; hai Giải B được trao cho đội Chùa Đìa chuối, Chùa Mới, huyện Hòa Bình. 5 Giải C được trao cho các đội gồm: Chùa Giữa, Chùa Cũ, huyện Hòa Bình; Chùa Dì quán, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân; Chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long; Chùa Khóm 1, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai.
Theo đánh giá của Tiến sỹ, Nhạc sỹ Sơn Ngọc Hoàng, Trưởng Ban Giám khảo, nhìn chung, các đơn vị tham gia Liên hoan đã bám sát, xây dựng đúng chủ đề, biên tập và dàn dựng chương trình có trọng tâm, có sự sáng tạo qua các tiết mục nghệ thuật, thể hiện được thế mạnh của từng địa phương, tạo ấn tượng tuyệt vời qua từng đêm diễn. Liên hoan có sự đầu tư kỹ lưỡng nên các tiết mục đạt chất lượng, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Liên hoan là dịp để phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phong trào văn hóa - văn nghệ trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoạt động này nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Liên hoan còn là dịp để công chúng Bạc Liêu thưởng thức hòa tấu nhạc cụ ngũ âm và múa dân gian dân tộc Khmer tỉnh nhà.