Là Giải thưởng phi lợi nhuận thường niên nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 – 2020 sẽ trao 1 Giải thưởng Lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" (Cricket Knight) và 4 giải mang tên "Khát vọng Dế Mèn" (Cricket Desire).
Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau lễ phát động, Giải thưởng đã thu hút hơn một trăm tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với đầy đủ các loại hình nghệ thuật, trong đó nhiều nhất là truyện ngắn, tập truyện ngắn và truyện dài.
Bên cạnh đó, Ban sơ khảo giải thưởng còn tích cực “đãi cát tìm vàng”, rà soát một số lượng lớn các tác phẩm dành cho thiếu nhi được sáng tác, công bố trong thời gian từ 1/1/2019 – 7/9/2020 để trình lên Hội đồng giám khảo xem xét…, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót các tác phẩm lớn. Qua đó, có thể khẳng định, kết quả giải thưởng đã phán ánh được phần nào bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật thiếu nhi trong thời gian qua.
Bức tranh ấy sẽ được thể hiện sinh động tại Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 – 2020, một ngày hội nghệ thuật đẹp đẽ, thuần khiết cho thiếu nhi. Một lễ trao giải sẽ mang đầy tinh thần "hiệp sĩ".
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – "hiệp sĩ của tuổi thơ" - sẽ từ TP.HCM bay ra dự giải và ký sách ủng hộ Giải Dế Mèn. Từ Cà Mau, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cùng cậu con trai 12 tuổi, tác giả của Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm, cũng ra Hà Nội dự giải. Nhạc sỹ "Nhật ký của mẹ" Nguyễn Văn Chung cũng sẽ tới dự Lễ trao giải để giới thiệu về chùm ca khúc đặc sắc trong số 300 bài hát cho thiếu nhi. Từ Kiên Giang, tác giả Nguyễn Chí Ngoan, một giáo viên tiểu học sinh năm 1991, cũng xuất hiện.
Tại Lễ trao giải, công chúng sẽ được thưởng lãm chùm tranh chủ đề phòng chống COVID-19 nổi tiếng trên truyền thông quốc tế của Nguyễn Đới Chung Anh và lắng nghe những chia sẻ của họa sĩ nhí (10 tuổi) này. Có một điều rất thú vị là "sự kiên cường của nghệ thuật" – như chiến dịch mà UNESCO khởi động (ResiliArt) - đã được bộc lộ một cách tự nhiên mà mãnh liệt, không chỉ qua những bức tranh của Nguyễn Đới Chung Anh, mà còn ở khá nhiều những tác phẩm dự thi khác, bởi dường như đã có những thần đồng nghệ thuật xuất hiện chính trong giai đoạn phải nghỉ học vì đại dịch Covid-19 này. Một cậu bé đã lục tung chiếc tủ sách của gia đình mình để đọc những quyển mà cậu nghĩ rằng chúng đáng đọc. Đọc liên miên cho đến khi cậu nảy ra ý định "viết ra những câu chuyện đang diễu hành trong đầu mình", và những câu chuyện ấy đã làm cho Hội đồng giám khảo thực sự sửng sốt.
Lễ trao giải cũng là dịp để nghe các văn nghệ sỹ trong Hội đồng giám khảo như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Thành Chương, Lê Linh... chia sẻ về nghệ thuật thiếu nhi. "Tôi muốn kêu gọi các nhà văn, ít nhất trong 10 năm cầm bút của mình, hãy dành 1/3 hoặc 1/4 để viết một cuốn sách gì đó. Không cần phải điều gì lớn lao, hãy viết về chính đứa con, đứa cháu mình với sự trung thực và lòng yêu thương chân thật" – đó là phát biểu đầy tâm huyết của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, tác giả của "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya", cuốn sách thiếu nhi mới nhất của ông. "Và có lẽ, từ nay đến cuối đời, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để viết sách cho những đứa trẻ” - ông xúc động nói sau khi chấm giải Dế Mèn lần thứ nhất.
Để ủng hộ cho Giải thưởng Dế Mèn, gần 20 họa sĩ tên tuổi, được xem là những thương hiệu "đắt giá" trên thị trường mỹ thuật, đã chuyển cho BTC Giải Dế Mèn những tác phẩm thật sự tâm đắc của mình để giới thiệu bán vì mục đích thiện nguyện. Đó là các họa sĩ Trần Nguyên Đán, Thành Chương, Nguyễn Quang Thiều, Phạm An Hải, Đinh Quân, Dũng Tí, Phan Thiết, Tào Linh, Nguyễn Duy Nhi, Phạm Bình Chương, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Thế Hùng, Vũ Mười…, và nhà sưu tập Thanh Uy. Những tác phẩm này sẽ được trưng bày ngay tại Lễ trao giải, đồng thời đã được đưa lên trang Fanpage của Giải để được "dán nơ" (đặt mua). Cùng với đó là 100 cuốn sách mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng dành riêng cho Giải Dế Mèn.