Chưa đầy 2 tháng bắt đầu từ ngày Nhập hạ (đồng bào Khmer gọi là Bun Chôl Vô Sa), trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra đến 3 vụ cháy tại chùa Prasath Kong (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên), chùa Bâng Kok (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) và mới nhất là chùa Kos Tung (xã An Thạnh Nhì, Huyện Cù Lao Dung); trong đó chính điện chùa Kos Tung bị thiêu rụi hoàn toàn.
Các chùa ở Sóc Trăng bị cháy đều có cùng nguyên nhân là phát hỏa từ việc đốt nến. |
Việc các chính điện chùa Khmer liên tiếp hỏa hoạn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cháy chùa trong mùa Nhập hạ. Nên chăng, phong tục đốt nến trong mùa Nhập hạ của đồng bào Khmer cũng cần có sự thay đổi, nhằm góp phần giảm thiệt hại cho nhà chùa?
Hàng năm cứ đến ngày 15/6 âm lịch (tháng Asat của đồng bào Khmer) là đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, người dân Sóc Trăng nói riêng, lại tổ chức lễ Nhập hạ, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình yên vui hạnh phúc; đồng thời dâng các vật dụng sinh hoạt cho các chư tăng tại chùa trong ba tháng Nhập hạ.
Ngày xưa, do việc đi lại khó khăn và chưa có điện nên việc dâng những cây nến Vô Sa cho chùa của phật tử ngoài ý nghĩa tôn giáo còn là việc trợ giúp nhà chùa và sư sãi có được nguyên liệu để thắp sáng và dùng vào việc học tập trong ba tháng Nhập hạ. Ngày nay, khi đời sống của bà con được nâng lên thì các bổn tự ngày càng được cúng nhiều cây nến trong những tháng Nhập hạ, và nến để cúng chùa cũng càng ngày càng được làm to hơn, có cây hàng chục kg.
Trong lễ Nhập hạ năm nay, trung bình mỗi chùa tiếp nhận từ 20 - 80 cây nến Vô Sa (tùy lượng phật tử và kinh tế của phum sóc), mỗi cây có trọng lượng từ 10 - 25 kg. Khi dâng lên chùa xong, người nào cũng muốn cây nến của gia đình mình sẽ được thắp trong 3 tháng Nhập hạ. Với số lượng nhiều, nhà chùa phải thắp liên tục và để rất gần nhau. Khi có sự cố, việc chữa cháy sẽ không hề dễ dàng. Những ngôi chùa cổ với cột và cánh cửa bằng gỗ sẽ dễ bắt lửa và lại khó trong công tác chữa cháy.
Việc duy trì phong tục là việc làm rất đáng trân trọng ở các chùa Khmer, nhưng đôi lúc, cũng cần có sự linh hoạt và thay đổi theo thời gian. Việc cúng dường nến Vô Sa của đồng bào Khmer ngày nay cũng cần có sự đổi khác. Thay vì dâng nến lên chùa, các phật tử nên quyên góp những vật dụng thiết thực hơn như góp tiền, quyên góp bóng đèn hoặc dây điện để nhà chùa xây dựng các công trình cơ bản cũng như thắp sáng cho tăng sinh học tập trong mùa Nhập hạ… Cách làm này vừa thực tế, vừa tránh được nguy cơ hỏa hoạn. Thực tế, nhiều bổn tự Khmer tại Sóc Trăng đã bắt đầu với cách làm này và đang nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của quý phật tử trong phum sóc.
Chùa Pô thi Satharam (phường 7, thành phố Sóc Trăng) được xem là những bổn tự tiên phong cho phong trào vận động phật tử quyên tặng bóng đèn, dây điện… thay vì nến trong mùa Nhập hạ. Theo đại đức Thạch Sal, trụ trì chùa, việc vận động phật tử đóng góp bóng đèn, dây điện để nhà chùa thắp sáng đã được thí điểm từ 4 năm trước. Thấy hiệu quả nên nhà chùa vẫn duy trì hoạt động này. Mỗi năm, nhà chùa chỉ nhận vài cây nến để thắp trong chánh điện, vừa giảm nguy cơ hỏa hoạn, vừa giúp phật tử tiết kiệm.
Còn tại chùa Sà Lôn (chùa chén kiểu) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, quý Phật tử đã nhiệt tình ủng hộ đề xướng của vị trụ trì về việc thay đổi cúng dường bóng đèn và dây điện thay cho nến Vô Sa. Chỉ mới là năm đầu tiên vận động nhưng nhà chùa đã nhận được trên 120 bóng đèn (dài 1,2 m) và 11 cuộn dây diện (mỗi cuộn dài 100 m). Theo sư Lâm Chanh, trụ trì chùa, thì đóng góp của phật tử đã giúp cho nhà chùa trang bị cho tăng sinh học tập và thắp sáng khuôn viên chùa. Những năm tới, nhà chùa sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này, đồng thời sẽ trao đổi với những bổn tự khác để nhân rộng mô hình.
Với sự tiên phong của 2 chùa Sà Lôn và Pô thi Satharam thì việc nhân rộng mô hình quyên góp bóng đèn điện thay nến Vô Sa ở nhiều địa phương khác sẽ giảm rất lớn nguy cơ hỏa hoạn trong những tháng Nhập hạ. Việc thay đổi hình thức dâng cúng không làm mất đi giá trị truyền thống, tính tâm linh mà lại phù hợp với thực tế, vẫn bảo vệ, giữ gìn được ngôi chùa tôn kính, rất cần được nhân rộng.
Chanh Đa