Cách trung tâm tỉnh Điện Biên gần 130 km, với khoảng 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, Tủa Chùa được ví là một “tiểu Hà Giang thứ hai” của Tổ quốc. Nhắc đến Tủa Chùa, người dân xứ Mường Then (Điện Biên) thường nghĩ đến một huyện vùng cao nằm ở phía đông bắc tỉnh Điện Biên - vùng đất thuộc diện nghèo khó bậc nhất trong 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Mặc dù đời sống kinh tế của bà con dân tộc nơi đây còn gặp khó khăn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở huyện vùng cao này luôn được giữ vững, tạo tiền đề cho các mặt kinh tế, văn hóa trên địa bàn có những bước phát triển. Gần 40 dòng họ trong mô hình “Dòng họ bình yên” mà Đảng bộ, chính quyền huyện Tủa Chùa phát động xây dựng từ năm 2000 đã làm nên điều tích cực đó.
Tủa Chùa đã gặt hái nhiều thành công trong xây dựng đời sống văn hóa. |
Hơn 10 năm về trước, Tủa Chùa là khu vực có nhiều điểm nóng về tình hình an ninh, trật tự xã hội như tuyên truyền đạo trái phép, di dịch cư tự do..., ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục và tư tưởng văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn. Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Tủa Chùa đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân tộc thông qua việc xây dựng mô hình “Dòng họ bình yên”, nhằm tạo nên một thế trận an ninh nhân dân trong cộng đồng dân cư bản làng một cách vững bền. Từ thành công trong mô hình điểm của dòng họ đầu tiên, huyện Tủa Chùa đã nhân rộng ra khắp các địa bàn. Hiện nay, trên toàn huyện đã có gần 40 dòng họ thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ phát triển sản xuất theo đúng hương ước, quy định đặt ra. Trong số đó, gần 50% số dòng họ đã đạt được tiêu chí "Dòng họ bình yên" tiêu biểu. Các dòng họ đều nhận thức được việc cần thiết xóa bỏ các hủ tục như không để người chết lâu trong nhà, không mê tín dị đoan trong ma chay, cưới hỏi; cam kết không tái trồng cây thuốc phiện, không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, bài trừ tệ nạn xã hội...
Tiêu biểu cho mô hình "Dòng họ bình yên" ở huyện Tủa Chùa là các dòng họ: Giàng, Sùng, Vừ, Điêu, Lò... ở các xã Xính Phình, Tủa Thàng, Sín Chải... Trong những năm qua, các dòng họ này đã vận động con cháu không di cư tự do, không tranh chấp đất đai, phá rừng làm nương rẫy. Các trưởng dòng họ đã vận động, kêu gọi con cháu không tin theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó, các dòng họ đã giáo dục, thuyết phục được nhiều hộ của dòng họ mình ở lại bản làng, quyết tâm vươn lên xóa đói giảm nghèo trên chính mảnh đất mà cha ông đã từng sinh cơ, lập nghiệp.
Cùng với xây dựng nếp sống, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, độc đáo giàu sắc thái bản địa của dân tộc, dòng họ; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống bình yên ở các bản, làng, những “Dòng họ bình yên” vận động con cháu tích cực sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo cho xã, huyện. Đổi thay rõ nhất ở Tủa Chùa là hơn 6 năm nay, trên địa bàn huyện tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã chấm dứt.
Với mô hình “Dòng họ bình yên”, Tủa Chùa là huyện đi đầu tại Điện Biên nhưng đã gặt hái được thành công trong xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, cần nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh.
Bài và ảnh: Xuân Tiến