Đa số họa sỹ tham gia triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội) là người của thế hệ sau này. Nhưng, những tác phẩm của họ về đề tài Điện Biên Phủ hết sức chân thực, sinh động, góp phần tái hiện cuộc chiến đấu thần thánh của quân và dân ta cách đây 60 năm.
“Người quân nhân số 1 bên cạnh Bác” của Đức Dụ. |
1.Họa sỹ quân đội, chủ nhiệm Câu lạc bộ đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trịnh Bá Quát, kể rằng, lúc đầu khi vận động các họa sỹ sáng tác chuẩn bị cho triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, ban tổ chức đã tưởng khó có thể làm được. Địa điểm triển lãm dự định ở hai nơi là Hà Nội và thành phố Điện Biên Phủ, nhưng điều kiện không cho phép nên cuối cùng quyết định chỉ tổ chức ở Hà Nội. Mặc dù câu lạc bộ có số lượng đông đảo họa sỹ (chỉ tính riêng khu vực Hà Nội đã có khoảng 200 hội viên), nhưng đề tài Điện Biên Phủ đã quá cũ.
“Nhưng rất bất ngờ, chỉ trong ba ngày nộp tranh, từ dự kiến trưng bày ở hai tầng của nhà triển lãm, chúng tôi đã phải treo tranh ở cả tầng ba. Chất lượng tranh tốt, nhiều tranh khổ lớn”, ông Trịnh Bá Quát cho biết. Chỉ sau bốn tháng, triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ” đã có 94 tác phẩm của 84 tác giả tham gia. Những tác phẩm: “Người quân nhân số 1 bên cạnh Bác” (Đức Dụ), “Mở đường” (Nguyễn Tuấn Long), “Ký ức Điện Biên 1954” (của Cựu chiến binh Phan Thanh Bồng), Khúc quân hành (Hoàng Kim Tiến), Trên đường vào chiến dịch (Hà Huy Thắng), Các anh đi ngày ấy (Nguyễn Hải Nghiêm), Điện Biên Phủ (Giang Khích), Vượt núi băng ngàn (Phạm Hoàng Vân), Huyền tích đồi A 1 (Ngô Mạnh Lân), Trên đường chiến dịch (Trần Vũ Hoàng)… đã được ra mắt công chúng Thủ đô.
“Điện Biên Phủ” của Giang Khích. |
2. Theo ông Ngô Văn Cao, giám đốc Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, triển lãm còn thu hút nhiều họa sỹ cao tuổi tham gia, trong đó có họa sỹ trên 80 tuổi vẫn gửi tác phẩm đến trưng bày. Bên cạnh những tác phẩm hội họa (tranh sơn dầu, sơn mài, lụa…), điêu khắc (phù điêu, tượng tròn), còn có cả các tác phẩm đồ họa (tranh cổ động, tranh khắc). Bằng những ngôn ngữ và bút pháp khác nhau, từ hiện thực đến biểu hiện, ấn tượng, đồng hiện,… các tác phẩm đã thể hiện sinh động hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến công của các quân binh chủng, các lực lượng hậu cần, dân công mở đường, kéo pháo vào trận địa, cứu thương, tình quân dân…
Có họa sỹ đã mất nhưng gia đình họ khi biết triển lãm được tổ chức vẫn gửi tác phẩm đến. Con trai cố họa sĩ Dương Hướng Minh là Dương Hướng Nam cho biết, hai bức sơn mài “Kéo pháo ở Điện Biên” và “Chiến thắng Điện Biên” của cha anh đang tham gia triển lãm. Bức tranh “Kéo pháo ở Điện Biên” khổ lớn được cố họa sỹ Dương Hướng Minh vẽ năm 1957, đạt giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc năm 1958. Họa sĩ Dương Hướng Minh đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn họa nghệ thuật.
“Ký ức Điện Biên 1954” của Cựu chiến binh Phan Thanh Bồng. |
Nhiều tác phẩm được các họa sỹ sáng tác dựa trên câu chuyện có thật trong chiến dịch Điện Biên Phủ. “Từ câu chuyện Em bé Mường Pồn được bộ đội cứu sống, tôi đã vẽ “Đứa con trung đoàn”, họa sỹ Lê Trí Dũng nói. “Những họa sỹ trẻ vẽ về chiến dịch Điện Biên Phủ ở góc độ khác. Họ không dùng phương pháp tả thật mà bằng phương pháp ẩn dụ, trừu tượng, khái quát hóa, nhưng vẫn thể hiện được đúng tinh thần của đề tài. Điều đó khiến triển lãm phong phú hơn”, ông Trịnh Bá Quát cho biết.