Những di tích thờ tổ nghề ấy đã là một phần quan trọng đối với khu phố cổ Hà Nội, gắn bó mật thiết với sự hình thành phát triển khu phố cổ Hà Nội và chính đó là những nhân tố tạo lập nên các phố “Hàng” của 36 phố phường Hà Nội xưa.
Để gìn giữ những giá trị văn hóa của khu phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã có hướng khôi phục, trùng tu các di tích thờ tổ nghề, đồng thời đẩy mạnh khai thác du lịch, bán và giới thiệu các sản phẩm lưu niệm để giới thiệu phố nghề, làng nghề...
Điểm sáng đình Kim Ngân
Chỉ cách đây hơn 1 năm, đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), một trong những ngôi đình thờ ông tổ nghề kim hoàn ở Hà Nội bị gần 20 hộ dân lấn chiếm, dấu tích duy nhất còn lại để nhận ra ngôi đình cổ này là chiếc biển số nhà màu xanh mang số 42, lối đi vào chỉ rộng chừng 60-70 cm. Đình nằm sâu hun hút trong ngõ nhỏ, xung quanh đình, phía trước, phía sau, bên trái, bên phải đều là các hộ dân sinh sống. Phần còn được gọi là di tích chỉ còn nơi để tượng Phật, còn toàn bộ không gian đã bị lấn chiếm hết... Nhưng đến nay, đình Kim Ngân đã được trùng tu rất khang trang, đẹp đẽ với khuôn viên rộng rãi. Đình đã được trả lại dáng vẻ tôn nghiêm vốn có của nó.
Đình Kim Ngân trong ngày lễ khánh thành. |
Có được kết quả như vậy là nhờ dự án trùng tu đình Kim Ngân, giải tỏa các hộ lấn chiếm, phục hồi nguyên trạng đình thờ tổ nghề kim hoàn của quận Hoàn Kiếm. Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng đã tổ chức một lễ hội tôn vinh làng nghề kim hoàn với sự tham gia của các làng Định Công, Kiêu Kỵ (Hà Nội), Châu Khê (Hải Dương) và Đồng Xâm (Thái Bình). Ngày tổ chức lễ khánh thành đình Kim Ngân, đông đảo bà con từ các làng nghề kim hoàn đã về dự hội. Chị Nguyễn Thị Thông, một người con của làng Châu Khê cho biết: “Trước đây, thấy ngôi đình thờ tổ nghề của làng bị lấn chiếm, tôi và những người dân trong làng rất bức xúc, bây giờ thấy đình được trùng tu rất đẹp, chúng tôi vui lắm…”.
Nghệ nhân Vũ Mạnh Hải cũng phấn khởi cho biết: “Sau nhiều năm bị xuống cấp, việc ngôi đình được tôn tạo đã mang lại niềm vui lớn cho những người làm nghề. Từ đây, những người làm nghề đã có một nơi để đến thắp hương vào ngày giỗ Tổ nghề; đồng thời là nơi để những người làm nghề gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các hoạt động chấn hưng nghề nghiệp và tỏa sáng nghề của cha ông”.
Nâng cao giá trị khu phố cổ
Ông Phạm Tuấn Long – Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Đặc trưng của phố cổ Hà Nội là các ngôi đình thờ tổ nghề gắn với phố nghề. Đây là nơi duy nhất trong thành phố có đình chuyên thờ các tổ nghề truyền thống. Để bảo tồn di sản văn hóa độc đáo này, đồng thời giữ được đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội, thì việc trùng tu các di tích này chính là giải pháp hữu hiệu. Nếu chúng ta đánh mất các công trình di tích, đặc biệt là các di tích đình thờ tổ nghề, sẽ mất đi giá trị phố nghề truyền thống của Hà Nội. Chính vì vậy, ngoài những di tích đã được trùng tu, tới đây, thành phố sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, tiến hành trùng tu các công trình di tích trong khu phố cổ và đặc biệt là các công trình đình thờ tổ nghề gắn với phố nghề truyền thống. Riêng trong năm 2011 này, sẽ trùng tu đình Phả Trúc Lâm tại 40 Hàng Hành và một số di tích khác trong khu phố cổ”.
Cũng theo ông Long, trong thời gian tới, bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo các di tích tổ nghề, Ban quản lý phố cổ sẽ phối hợp với Hội Làng nghề, Hội Nghệ nhân tổ chức các hoạt động liên quan đến lĩnh vực quảng bá hình ảnh nghề thủ công truyền thống. Phố nghề, đình thờ tổ nghề nào sẽ gắn với nghệ nhân của nghề đó, tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm, với những nghề có thể thao diễn thì sẽ tiến hành trình diễn thao tác nghề ngay tại chỗ…
Khẳng định quyết tâm nâng cao giá trị khu phố cổ Hà Nội, bà Cao Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Dự án đình Kim Ngân là một trong những dự án có ý nghĩa lớn của quận, thể hiện quyết tâm của quận trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của khu phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung. Từ kết quả trên, trong thời gian tới, quận sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển khu phố cổ, đánh giá hiện trạng 76 tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội để đưa ra giải pháp bảo tồn và phát triển cho từng tuyến phố, ô phố.
Tiếp tục giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh việc trùng tu các di tích khác trong khu phố cổ, đặc biệt là các di tích đã xuống cấp nguy hiểm, các công trình đình thờ tổ nghề trong khu phố cổ. Bên cạnh đó đẩy mạnh quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống theo đề án “Nghiên cứu và tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm” của UBND quận, góp phần bảo tồn một số nghề truyền thống gắn với phố nghề, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ di sản, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chắc chắn trong những năm tới, sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh những ngành nghề truyền thống của khu phố cổ năm xưa để góp phần làm phong phú, sầm uất và sống động thêm đời sống văn hóa, nguồn động lực phát triển quan trọng của quận Hoàn Kiếm và của thủ đô Hà Nội”.
Phương Lan
Bài cuối: Phát triển du lịch - hướng đi đúng để khai thác giá trị di tích