Di tích cấp quốc gia Thành Bản Phủ (Điện Biên) bị xâm hại nghiêm trọng

Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 10 km, di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), nơi có Đền thờ Hoàng Công Chất - người đã có công đánh đuổi giặc Phẻ (năm 1754) giữ yên một vùng biên cương của Tổ quốc, từ lâu đã là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc sinh sống trên đất Mường Then (Mường Trời).


 

Chuồng trại chăn nuôi của dân ngay sát chân Thành Bản Phủ.

Di tích này là một điểm nhấn, thế mạnh của ngành du lịch tỉnh Điện Biên, hằng năm thu hút hàng ngàn lượt người đến dâng hương, tham quan. Tuy nhiên, do công tác quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng còn bị buông lỏng, nên di tích lịch sử này đã bị xâm hại nghiêm trọng.


Di tích Thành Bản Phủ có hệ thống các công trình: Hồ hoa sen chạy sau khu đền tạo phong cảnh hữu tình cho khuôn viên di tích; cây “đoàn kết” (gồm 3 cây đa, đề, si), hàng trăm năm tuổi, quyện vào nhau, tạo nên vẻ tĩnh lặng, linh thiêng cho ngôi đền. Tương truyền cây “đoàn kết” này do chính tay thủ lĩnh Hoàng Công Chất trồng. Ngoài ra là khu chính điện thờ vị tướng áo vải Hoàng Công Chất cùng 6 tướng lĩnh của ông với kiến trúc cổ kính, thâm nghiêm.


Một trong những bộ phận cấu thành của di tích phải kể đến là bức tường thành cao khoảng 5 m, chạy dài hàng trăm mét theo hướng tây - đông ngăn cách môi trường tâm linh, tĩnh lặng khuôn viên thành với khu vực dân cư bên ngoài. Cổng chính dạng vòm dẫn du khách vào di tích cũng được xây dựng dưới bức tường thành này. Mỗi khi du khách đến đây, cảm nhận đầu tiên về di tích cũng bắt đầu chính từ sự đồ sộ, bề thế, vững chãi của bức thành. Tuy nhiên, bức tường thành này lại đang bị xâm hại rất nghiêm trọng.


Từ độ cao của tường thành nhìn xuống, chúng tôi quan sát thấy hàng trăm mét hành lang phía ngoài tường thành đã bị người dân xâm lấn, chiếm dụng. Từ nhiều năm nay, người dân sống quanh đây đã đào ao, nuôi cá, biến nhiều đoạn chân thành trở thành bờ bao của ao. Những rặng chuối được người dân trồng cạnh chân thành tạo điểm tựa cho những loài dây dại, mọc tràn lan trên bức tường thành. Hành lang hai bên tả, hữu của cổng thành cũng bị nhiều hộ dân “tận dụng” cơi nới, xây những công trình kiên cố để buôn bán, kinh doanh. Vì vậy, một phần bức tường thành trở thành “bức tường nhà” tiện ích.


Điều nguy hại hơn, những chuồng trại nuôi gia súc, công trình vệ sinh không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được nhiều hộ dân xây dựng ngay dưới chân thành, bốc mùi khó chịu... Thực trạng này khiến nhiều du khách khi lên cổng thành cảm thấy bức xúc.


Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: “Theo mốc giới trước đây quy định hành lang quanh chân thành là 5 m. Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có định hướng quy hoạch trùng tu, tôn tạo đường bao quanh thành, làm đường bê tông giúp khách tham quan hiểu thêm về di tích, phục vụ việc rước lễ vật hàng năm vào những dịp lễ, Tết. Hiện tại có trên 30 hộ đã vi phạm trên đất hành lang của tường thành. Về phía xã, thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xã đã ra thông báo lần 1, yêu cầu các hộ dân phải tự tháo bỏ vật dụng, kiến trúc trên đất hành lang thành, xa chân thành 5 m. Nếu trình tự thủ tục các bước hoàn tất, mà các hộ này không chấp hành thì xã sẽ kết hợp cùng các cơ quan chức năng dùng đến biện pháp cưỡng chế”.


Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, ngành chủ quản của tỉnh Điện Biên cần có những giải pháp hữu hiệu, nhằm sớm trả lại không gian hành lang của bức tường thành, để giá trị, vẻ đẹp, tính tôn nghiêm của một di tích mang tầm quốc gia được bảo tồn vẹn nguyên.


Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN