Để đàn Tính, hát Then trở thành di sản văn hóa của nhân loại

Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính lần thứ IV năm 2012 diễn ra từ ngày 4/11 nhằm giới thiệu văn hóa hát Then - đàn Tính, phát huy giá trị di sản văn hóa các vùng, miền trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc...

 

"Bước đệm" để hoàn thiện hồ sơ


Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính năm nay có chủ đề “Nguồn cội câu Then” đã khai mạc tối 4/11, tại thành phố Lạng Sơn, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức, với sự tham gia của Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam và đại diện 10 tỉnh là Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang...


 

Nghệ nhân Mã Văn Trực (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) biểu diễn làn điệu hát Then. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

 

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái: Liên hoan hát Then - đàn Tính lần này sẽ là một trong những hoạt động mang tính chất “bước đệm” để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Then - đàn Tính trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.


Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên các địa phương gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và giới thiệu những nét văn hóa hát Then - đàn Tính đặc sắc của mỗi dân tộc; đồng thời phát huy giá trị văn hóa hát Then - đàn Tính của các tỉnh vùng núi phía Bắc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Liên hoan còn là dịp để các đơn vị tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc về ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ, sưu tầm, truyền dạy văn hóa hát Then - đàn Tính.


Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính lần này có sự tham gia của gần 800 diễn viên của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh bạn. Ngoài màn hát múa với chủ đề “Nguồn cội câu Then” trong đêm khai mạc, liên hoan còn có các màn nghệ thuật với sự tham gia của 9 tỉnh như: “Muôn phương hội tụ”, “Xứ Lạng gọi mời” và các làn điệu Then đặc trưng của các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Điện Biên.


Chị Ma Thị Xuyến, diễn viên đoàn hát Then tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Tôi rất vui mừng được tham gia liên hoan lần này và mong muốn qua hoạt động này sẽ góp phần tích cực vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, nghệ thuật hát Then - đàn Tính nói riêng". Còn anh Hoàng Văn Trường (xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Các tiết mục biểu diễn tại liên hoan rất đa dạng, phong phú và giàu chất nghệ thuật. Tôi mong muốn văn hóa hát Then - đàn Tính sớm được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại".

 

Cần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Then xứ Lạng


Lạng Sơn là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều giá trị của nghệ thuật hát Then. Hát Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng xứ Lạng. Ra đời và gắn liền với đời sống dân gian, lời hát Then là sự phản ánh chân thực tín ngưỡng, cuộc sống của người dân nơi đây. Then xứ Lạng có hai loại hình là Then cổ và Then đặt lời mới. Qua thống kê của ngành văn hóa, toàn tỉnh hiện có trên 150 nghệ nhân hát Then, trong đó 56 người được cấp sắc.


Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn loại hình hát Then ở Lạng Sơn còn nhiều hạn chế và có nguy cơ mai một. Điều này đã phản ánh rõ nét ở công tác nghiên cứu, sưu tầm, ghi âm, ghi hình bảo tồn các làn điệu Then cổ chưa đầy đủ; chưa thống kê, hướng dẫn lập hồ sơ một cách đầy đủ để trình các cấp có thẩm quyền quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho các bà Then, ông Then có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Mặt khác, chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các nghệ nhân dân gian để khuyến khích việc truyền dạy rộng rãi hát Then, đàn Tính cho thế hệ trẻ; đội ngũ hành nghề Then hoạt động chủ yếu là mang tính tự do; việc duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật hát Then cũng chịu tác động của cơ chế thị trường.


Ông Hoàng Huy Ấm, người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy về hát Then cổ tại tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tại tỉnh Lạng Sơn mở khá nhiều lớp về dạy hát Then, đàn Tính nhưng số người theo học, nhất là giới trẻ không nhiều. Theo ông Ấm, nếu không làm tốt việc bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy Then cho thế hệ trẻ, hát Then sẽ có nguy cơ mai một.


Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của hát Then, những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, như: Phê duyệt đề án bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 - 2015; nghiên cứu, sưu tầm, ghi âm, ghi hình về nghi lễ lẩu then của người Tày ở huyện Văn Quan; thành lập Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn; mở các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính... Lạng Sơn cũng đã mở một lớp dạy hát Then, đàn Tính cho gần 50 giáo viên các trường tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đưa hát Then, đàn Tính vào giảng dạy trong nhà trường. Ngoài ra, các chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn bằng chất liệu văn hóa văn nghệ dân gian nói chung và hát Then, đàn Tính nói riêng cũng được khai thác, sáng tác đưa vào chương trình biểu diễn, chiếm khoảng 70%. Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn mỗi năm cũng mở một lớp đào tạo chuyên ngành về hát Then; Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Lạng Sơn thành lập một câu lạc bộ hát Then, đàn Tính...


Thắng Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN