Để bảo tàng là điểm đến của du lịch di sản

Trước thực trạng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, nhưng lượng khách đến tham quan các bảo tàng chưa nhiều, ngày 21/11/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Tổng cục Du lịch đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Bảo tàng với du lịch di sản”, nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các bảo tàng, di tích với hoạt động du lịch.

 

Bảo tàng chưa hấp dẫn khách


Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam trải nghiệm về thiên nhiên, đất nước con người, lịch sử, văn hóa ngày càng tăng. Hệ thống bảo tàng, di tích cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt, khác biệt với các loại hình du lịch khác, nhưng thực tế cho thấy, lượng khách đến Việt Nam tăng, nhưng khách đến bảo tàng chưa nhiều; bảo tàng chưa trở thành điểm dừng chân quen thuộc của du khách và chưa đóng vai trò là địa chỉ quan trọng trong hệ thống tour của các công ty du lịch, lữ hành.


 

Với nhiều hoạt động hấp dẫn, Bảo tàng Dân tộc học luôn đông khách đến tham quan.

 

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, khi xây dựng tour với khách, đặc biệt là khách nước ngoài, hầu như trong tour du lịch đều có điểm đến là bảo tàng. Bảo tàng nào trưng bày hấp dẫn, sản phẩm thuận lợi cho du khách thì họ sẽ đưa vào tour. Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, số bảo tàng đáp ứng được yêu cầu này không nhiều, chỉ có được vài ba địa chỉ. TP Hồ Chí Minh thì có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hà Nội có Bảo tàng Dân tộc học, và mới đây có thêm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.


Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist cho rằng, hiện vật là linh hồn của bảo tàng, và đội ngũ thuyết minh viên là những người giúp du khách hiểu được giá trị, ý nghĩa của các hiện vật đó. Chính vì vậy, bên cạnh việc trưng bày tốt, hiện vật có giá trị, các bảo tàng cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng của đội ngũ thuyết minh viên, như vậy các công ty du lịch mới yên tâm đưa khách đến. Ông Kế lấy ví dụ từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tuy có nhiều hiện vật đẹp và quý, nhưng do trưng bày cứng, chưa hấp dẫn khách du lịch, thêm vào đó, là việc các hướng dẫn viên rất khó khăn trong việc thuyết minh, giới thiệu về những hiện vật lịch sử rất có giá trị ấy, trong khi đội ngũ thuyết minh viên biết ngoại ngữ của bảo tàng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, khách đến tham quan không cảm nhận được hết giá trị văn hóa của các hiện vật... Những hạn chế đó đã dẫn đến tình trạng một số hướng dẫn viên “ngại” đưa khách đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham quan...


Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cũng cho rằng, nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu của du lịch, nên chưa thu hút được du khách.

 

Cần thay đổi diện mạo


Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), một trong những bảo tàng thu hút đông khách đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, với phương châm xem khách đến bảo tàng như khách đến nhà, nên bảo tàng đã chăm lo thật tốt cho du khách. Bên cạnh việc tổ chức trưng bày tốt, bảo tàng còn tùy vào từng nhóm mục đích của du khách mà tổ chức các hoạt động phù hợp. Một trong những “đặc sản” giúp bảo tàng thu hút khách là hoạt động giới thiệu những món ăn thời kháng chiến. Bảo tàng đã mời các o du kích, các cựu tù đến chế biến những món ăn thời kháng chiến tại chỗ, để du khách tận mắt chứng kiến cách làm cơm nắm muối tiêu, cách làm lương khô bằng vỏ chuối sấy, hay khoai lang nướng... vừa làm, họ vừa kể chuyện về những năm tháng chiến tranh. Bữa tiệc “ẩm thực thời kháng chiến” với cơm tù, cơm bộ đội được các chuyên gia đánh giá là một “đặc sản di sản” của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh...


Đối với việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh viên, nhiều ý kiến từ các bảo tàng cho rằng, với chính sách đãi ngộ còn thấp (thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng) như hiện nay, các bảo tàng rất khó để mời được những người có trình độ ngoại ngữ tốt về làm việc. Nhưng tìm được người giỏi đã khó, giữ được còn khó hơn. Nhiều trường hợp bảo tàng bỏ kinh phí đào tạo được những hướng dẫn viên có ngoại ngữ tốt, sau đó họ lại chuyển sang chỗ khác có thu nhập cao hơn...


Tuy nhiên, ông Lưu Đức Kế cho rằng, các bảo tàng không nhất thiết phải “nuôi” nhiều hướng dẫn viên chuyên nghiệp, mà hãy học theo mô hình mà nhiều công ty lữ hành đang áp dụng, là xây dựng và đào tạo đội ngũ cộng tác viên làm thuyết minh viên tiếng nước ngoài với bảo tàng, khi có đoàn đăng ký tour đến thì mời cộng tác viên đến thuyết minh. Ngoài ra, các bảo tàng cũng nên thiết kế chương trình phù hợp, như tour 1 tiếng thì nên đến những đâu, tour 2 tiếng sẽ đến những điểm nào... để các công ty du lịch và khách có nhiều lựa chọn tùy vào điều kiện thời gian cũng như lịch trình tour.


TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định, hệ thống bảo tàng, di sản, di tích không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa của quá khứ, thể hiện lòng tự hào truyền thống văn hóa của dân tộc, mà còn là nơi thu hút khách tham quan du lịch, góp phần vào phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Vì vậy, việc đổi mới diện mạo cả về nội dung, hình thức cũng như các phương thức các dịch vụ phục vụ du khách của hệ thống bảo tàng, di tích trên cả nước hiện nay là rất cấp thiết để có thể đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng, di tích hiện đang lưu giữ, góp phần vào chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế đất nước.

 

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN