Nhiều cô gái Việt diện Kimono tạo dáng bên những gốc hoa anh đào. Ảnh: Lê Phú |
Có lẽ chưa một hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế nào được người dân Thủ đô và du khách đón đợi như Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản, trong đó trọng tâm là không gian trưng bày hoa anh đào.
Hàng vạn người đổ về hồ Hoàn Kiếm, hòa mình vào không khí đậm sắc màu văn hóa được mang đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi, khiến không gian đi bộ vốn đã đông nay càng tấp nập. Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ dường như đông đúc, chật chội hơn, thậm chí có những thời điểm bị quá tải. Nhiều du khách tìm đến khu vực này ngay từ sáng sớm và nơi đây đặc biệt đông vào thời điểm gần trưa và buổi chiều. Không chỉ người dân Hà Nội mà rất nhiều người dân các tỉnh biết đến sự kiện này cũng tìm đến khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Bên cạnh đó, sự kiện diễn ra vào dịp cuối tuần, trùng với thời gian hoạt động của Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; do vậy lượng khách đông gấp nhiều lần so với ngày thường. Ai cũng tranh thủ đến ngắm sắc hoa anh đào rực rỡ, kiêu sa, ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên các tiểu cảnh hoa nhiều màu sắc.
Không gian trưng bày hoa anh đào được thiết kế độc đáo, nhiều tiểu cảnh hoa được sắp đặt sinh động. Bên cạnh hoa anh đào là trọng tâm, Lễ hội còn có sự góp mặt của hàng trăm loài hoa đặc trưng của Việt Nam rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, các loại hoa anh đào được Ban tổ chức đưa về năm nay cũng đẹp hơn với nhiều loại hoa kép, sắc hồng, sai hoa và đúng độ trổ.
Không chỉ ở Tượng đài Lý Thái Tổ, Ban tổ chức còn trưng bày rất nhiều tại khu vực nhà Bát Giác khiến người xem thoải mái đắm mình trong những sắc anh đào. Chính vì vậy, không gian trưng bày hoa anh đào được nhiều người đánh giá cao về hình thức và quy mô.
Là người rất yêu hoa anh đào và văn hóa Nhật Bản, năm nay là năm thứ hai ông Kiều Đức Hoàng, trú tại 74 Nhuệ Giang, quận Hà Đông, Hà Nội cùng vợ tới tham quan không gian trưng bày ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ. Ông chia sẻ, bản thân rất phấn khởi khi được tham dự Lễ hội và đánh giá năm nay công tác trưng bày hoành tráng hơn, đẹp hơn. Lễ hội vừa mang màu sắc văn hóa Nhật Bản và Việt Nam, vừa thể hiện sự đoàn kết bền chặt, khăng khít giữa hai đất nước.
Không chỉ trưng bày hoa anh đào, Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản năm nay còn quy tụ nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của Nhật Bản và Việt Nam như: Giới thiệu về trà đạo, cờ vây, cờ Shogi, trò chơi truyền thống Kendama, trình diễn múa Yosakoi, hướng dẫn nhảy hiphop – dance, trình diễn Kimono...
Rất đông người dân Thủ đô và du khách thích thú tham gia các trò chơi truyền thống của Nhật Bản với sự hướng dẫn của thành viên Ban tổ chức. Đặc biệt, múa Yosakoi truyền thống Nhật Bản được đông đảo giới trẻ hưởng ứng, với sự tham gia của 1.000 người đến từ 17 đội ở ba thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Các điệu múa vừa mang tính truyền thống nhưng vẫn có dáng dấp hiện đại, vừa uyển chuyển lại vừa mạnh mẽ thực sự thuyết phục người xem.
Tại khu vực nhà Bát Giác, giai điệu đàn bầu của Việt Nam thánh thót vang lên, hòa cùng âm sắc của văn hóa Nhật Bản khiến không gian Lễ hội càng thêm đầm ấm. Khu vực Cung thiếu nhi Hà Nội cũng luôn tấp nập khách đến tìm hiểu, thưởng thức văn hóa ẩm thực của Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản với không gian trưng bày hoa anh đào cùng các hoạt động văn hóa Nhật Bản là sự kiện văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, được đông đảo nhân dân đón nhận. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản nâng cao chất lượng tổ chức để xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa thu hút du khách đến với Thủ đô.
Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản sẽ kéo dài đến hết ngày 26/3, đáp ứng nhu cầu thưởng hoa, tìm hiểu các hoạt động văn hóa Nhật Bản của người dân Thủ đô và du khách.