Ở Tuyên Quang, dân tộc Pà Thẻn cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) và xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa). Là dân tộc sống lâu đời trên vùng núi cao, người Pà Thẻn vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục của phụ nữ với màu sắc, họa tiết hoa văn đặc trưng, tạo nên nét độc đáo riêng. Bộ trang phục không chỉ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ mà còn là niềm tự hào của dân tộc Pà Thẻn.
Trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Pà Thẻn, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc. Xuất phát từ quan niệm đó, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ với quan niệm là màu của ngọn lửa, ánh sáng làm màu sắc chủ đạo trên bộ trang phục. Người phụ nữ Pà Thẻn khéo léo kết hợp với các màu sắc như: trắng, đen, vàng để tạo nên bộ trang phục hài hòa, nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Trang phục phụ nữ Pà Thẻn được làm khá kỳ công, gồm: váy, áo, khăn đội đầu, thắt lưng… Áo của phụ nữ Pà Thẻn là loại áo cổ thấp liền hai vạt trước mặc với váy được thêu hoa văn đơn giản, giữa thân áo được thắt bằng một mảnh vải làm dây lưng. Trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn, các hoa văn trang trí hình quả trám, hình tam giác... thường được thêu thủ công.
Ngoài áo, phụ nữ Pà Thẻn còn dùng yếm trước ngực để tạo nên sự kín đáo và duyên dáng. Chiếc yếm có hình vuông, thêu hoa văn màu đỏ, màu vàng xen lẫn những đường kẻ trắng làm tôn thêm vẻ sặc sỡ của bộ trang phục. Trước đây, yếm được mặc hằng ngày cùng với bộ váy áo nhưng hiện nay chỉ mặc trong các dịp lễ hội, lễ Tết. Với bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, những phụ nữ dân tộc Pà Thẻn đã làm nên bộ trang phục rực rỡ và độc đáo, thể hiện vẻ đẹp đặc trưng.
Bà Húng Thị Cháng năm nay đã hơn 70 tuổi (ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) cho biết, từ khi còn nhỏ, người con gái Pà Thẻn đã được bà, mẹ truyền dạy cho nghề dệt, nghề thêu để có thể làm ra được bộ trang phục truyền thống mặc trong các dịp lễ, Tết. Trước đây, người phụ nữ Pà Thẻn chỉ tranh thủ những lúc nông nhàn để dệt váy áo, do vậy để làm ra bộ váy áo phải mất cả năm mới xong. Đối với phụ nữ Pà Thẻn, bộ trang phục với những họa tiết thêu bằng tay nhiều màu sắc sặc sỡ chính là yếu tố để đánh giá sự khéo léo, đảm đang của các cô gái.
Phụ nữ Pà Thẻn hầu như ai cũng biết dệt quần áo bởi vì trước khi về nhà chồng, người con gái được mẹ truyền dạy cho kỹ thuật và từng công đoạn dệt. Họ phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới. Những năm gần đây, trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ngày càng ít được sử dụng, chỉ được mặc vào những ngày lễ, Tết, đám cưới…
Để bảo tồn, giữ gìn những bộ trang phục truyền thống, UBND xã Hồng Quang đã tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ trong thôn, xã, thu hút đông đảo học viên tham gia. Ngoài trang phục truyền thống, phụ nữ Pà Thẻn còn được học thêu, dệt các sản phẩm bằng thổ cẩm đa dạng, phong phú để phục vụ kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập như: chăn thêu, vỏ gối, khăn, các loại túi, ví…
Em Phù Thị Hương (thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) chia sẻ, với mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, em đã tham gia các lớp học nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Sau thời gian được các bà, các cô chỉ dạy, đến nay em đã tự thêu, may được những hoa văn đơn giản trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc mà còn tạo điều kiện phát triển du lịch cũng như tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo chị Sìn Thị Đón (thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình), nhờ có lớp học nghề dệt thổ cẩm, nhiều chị em đã dệt thành thạo và có thể làm hoàn chỉnh một bộ váy truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn. Ngoài làm trang phục, chị em còn dệt khăn và một số sản phẩm khác để bán cho du khách đến tham quan du lịch, từ đó tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình.
Chủ tịch UBND xã Hồng Quang Phù Đức Lâm thông tin, cùng với Lễ hội nhảy lửa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề dệt thổ cẩm cũng được người dân nơi đây giữ gìn và phát huy. Chính quyền xã đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; trong đó có nghề thêu, dệt trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Pà Thẻn nói riêng. Việc giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ đồng bào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn giữ gìn an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển du lịch, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.