Theo phóng viên TTXVN tại Italy, chủ đề của Lễ hội hóa trang Venice năm nay là “Nhìn về phương Đông: Cuộc hành trình kỳ thú của Marco Polo” nhằm tôn vinh một trong những du khách vĩ đại nhất trong nhiều thế hệ, một hành trình tuyệt vời mà mỗi con người đều mơ ước. Lễ hội năm nay nói về con đường mà nhiều năm trước Marco Polo đã chọn để khám phá những kỳ quan mới, mở ra một chuyến đi mang tính giáo dục xuyên biên giới vào thế kỷ 14.
Lễ hội hóa trang Venice nhằm khôi phục lại lịch sử và nền văn hóa đã mất và là cơ hội để mọi người được hóa thân thành người khác. Đây cũng là dịp để mọi người gặp nhau, vui chơi, hòa nhạc, khiêu vũ, cùng ôn lại và ca ngợi lịch sử hình thành một đất nước yên bình, phồn vinh, một xã hội công bằng, ổn định cũng như khích lệ tinh thần yêu nước của mỗi người dân.
Về cơ bản, Lễ hội hóa trang Venice năm nay vẫn giữ được những nét đặc trưng của "phiên bản" xưa, nổi bật với người dân địa phương và du khách trong những bộ trang phục cùng mặt nạ độc đáo rực rỡ sắc màu, hoạt động diễu hành và các buổi hòa nhạc. Trong suốt thời gian lễ hội, cả thành phố Venice dường như sống trong âm nhạc và màu sắc. Khắp các con phố của thành phố đều tấp nập những người mặc những bộ trang phục hóa trang sặc sỡ và lộng lẫy theo phong cách dạ hội cổ điển với điểm nhấn là chiếc mặt nạ, mũ lông, tóc giả.
Mặt nạ là nét đặc trưng nhất của lễ hội hóa trang Venice, làm xóa nhòa sự khác biệt về tầng lớp trong xã hội, xóa bỏ đi khoảng cách tuổi tác, ranh giới giàu nghèo, giới tính. Thông thường, chiếc mặt nạ hóa trang được làm bằng da hoặc bằng giấy bồi theo kỹ thuật truyền thống. Ngày nay, mặt nạ còn được làm từ thạch cao, vàng lá và luôn được vẽ tay, điểm thêm các chi tiết trang trí bằng lông chim, đá quý.
Năm nay, du khách có thể tham gia các cuộc thi mặt nạ hàng ngày để có thể tham gia vòng chung kết để trở thành người có mặt nạ đẹp nhất lễ hội. Những người dự thi sẽ mặc đồ hóa trang và đeo mặt nạ diễu hành qua nhiều con phố hoặc trình diễn trên sân khấu.
Ngoài cuộc thi mặt nạ, năm nay, lễ hội hóa trang Venice còn “bùng nổ” với nhiều chương trình đặc sắc và hấp dẫn. Người dân cùng du khách có cơ hội thưởng thức những màn diễu hành hoành tráng, các tiết mục biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật đặc sắc hoặc mua sắm tại các khu chợ.
Tâm điểm là Lễ hội Đường phố với sự góp mặt của các nghệ sĩ quốc tế xuất sắc nhất biểu diễn âm nhạc, xiếc và hề. Đặc biệt, ngoài các sự kiện chính thức, nhiều bữa tiệc riêng tư và vũ hội hoá trang cũng diễn ra trong các cung điện xinh đẹp của “thành phố tình yêu”, mang lại không gian huy hoàng cổ xưa.
Tuần cuối cùng của lễ hội là khoảng thời gian sôi động nhất với hàng loạt sự kiện độc đáo. Các con phố luôn tràn ngập trong vẻ đẹp của những bộ trang phục truyền thống của thế kỷ 18 cùng những chiếc mặt nạ loại kín mặt hoặc nửa mặt.
Lễ hội hóa trang Venice thường diễn ra trước khi bắt đầu 40 ngày khắc khổ của mùa Chay hằng năm. Tên gọi của lễ hội được cho là bắt nguồn từ tiếng Latinh thời Trung cổ “carnem levare” hoặc “carnelevarium”, có nghĩa là loại bỏ thịt. Lễ hội hóa trang Venice năm nay thu hút hàng triệu lượt du khách, trở thành điểm nhấn văn hóa nổi bật của thành phố nổi, mộng mơ xứ Italy.