Theo đó, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được đăng ký tham gia dự thi của 650 thí sinh và 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Theo dự kiến ban đầu, cuộc thi sẽ diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhưng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định tổ chức cuộc thi tại 5 địa điểm thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm: thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (ngày 18 - 19/9); tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 21 - 23/9); tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (ngày 25 - 26/9); tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 28/9) và tại thành phố Hà Nội (ngày 30/9 đến 2/10).
Các tổ chức, cá nhân tham dự Cuộc thi theo 4 Bảng. Bảng 1: Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc; Bảng 2: Hòa tấu dành cho các đơn vị ca múa nhạc, Học viện âm nhạc, Nhạc viện; Bảng 3: Độc tấu dành cho nghệ sỹ thuộc các đơn vị kịch hát dân tộc; Bảng 4: Độc tấu dành cho nghệ sỹ thuộc các đơn vị ca múa nhạc, Học viện âm nhạc, Nhạc viện và các nghệ sỹ ngoài công lập.
Hội đồng Giám khảo gồm 7 thành viên là các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Ban tổ chức dự kiến trao các giải thưởng gồm: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba, Giải Khuyến khích, các giải phụ (nếu có) cho các nội dung dự thi.
Cuộc thi được phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, trong hoạt động liên hoan và cuộc thi chuyên nghiệp được phát trực tiếp trên Youtube.
Theo Ban tổ chức, “Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020” là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuộc thi là dịp để các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.