Cuộc sống sinh động qua nét vẽ trẻ thơ

299 bức tranh xuất sắc nhất được lựa chọn từ 20.238 tác phẩm của các em nhỏ ở 61/63 tỉnh, thành phố được trưng bày trong “Triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc 2011” (diễn ra từ 31/5 - 6/6/2011) tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với người xem ngay trong lễ khai mạc. Không ít người đã xúc động và bất ngờ trước những bức tranh hồn nhiên, màu sắc tươi tắn với bố cục rất táo bạo, thể hiện chân thực tình cảm của các em với quê hương đất nước, cuộc sống sinh hoạt đời thường...

Khán giả đến tham quan triển lãm trong ngày khai mạc. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Cảm giác đầu tiên của nhiều người xem là sự thích thú với những bức tranh của các họa sỹ “nhí”. Nói như họa sỹ Lê Trọng Lân, là nhìn rất “sướng mắt”, bởi những bức tranh ở đây rất đẹp, đẹp từ màu sắc rất tự nhiên, tươi sáng, cho đến bố cục cũng rất sinh động, rất trong trẻo của tuổi thơ. Thích thế nào làm thế ấy, nghĩ thế nào vẽ thế ấy, không có sự do dự, tính toán về bố cục, không có sự sắp đặt... Những bức tranh với nét vẽ ngây thơ, trong sáng với các chủ đề về quê hương, đất nước Việt Nam, tình cảm kính yêu của thiếu nhi với Bác Hồ, với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, với mái trường, bạn bè... tất cả đều phản ánh sinh động cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt tập thể, học tập, vui chơi của thiếu nhi, những mong ước, suy nghĩ về tương lai các em.

Triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc 2011 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH, TT & DL) tổ chức. Triển lãm trưng bày 299 tác phẩm, lựa chọn từ 20.238 tác phẩm của các em thiếu nhi ở 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội đồng nghệ thuật đã chọn và trao giải cho 70 tác phẩm xuất sắc gồm: 10 giải vàng, 15 giải bạc, 20 giải đồng và 25 giải khuyến khích.

Không ít người dừng chân ngắm nhìn bức chân dung vẽ “Ông ngoại” của bé Nguyễn Hạnh Linh (Hà Nội). Ông ngoại trong tranh Hạnh Linh đơn giản là một người ông có mái tóc mọc dựng ngược, nhưng quan trọng là có một cái ô tô được vẽ trước ngực thể hiện tình yêu dành cho người ông. “Điều này chỉ có trẻ em mới vẽ được, chứ người lớn không ai dám vẽ” – họa sỹ Lê Trọng Lân, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét. Khán giả cũng xúc động trước bức tranh “Bà qua đường” của Lê Thị Hồng Anh (Hà Nội), bức tranh thể hiện tình yêu thương con người của các em với cảnh các em thiếu nhi vui vẻ khi được giúp đỡ cụ già qua đường... Khán giả cũng rất thích thú khi ngắm bức tranh “Chọi trâu” của Lê Nguyễn Minh Quân (TP Hồ Chí Minh), hay “Hội chọi trâu” của Nguyễn Mai Quỳnh (Khánh Hòa), bởi vẽ cảnh chọi trâu, nhưng nếu quan sát kỹ, sẽ thấy những con trâu trong tranh giống như đang trò chuyện với nhau...

Không chỉ phản ánh cuộc sống sinh hoạt đời thường, mà các em thiếu nhi cũng rất quan tâm đến các sự kiện thời sự nóng bỏng trong và ngoài nước. Đó là hàng loạt bức vẽ về hoạt động cứu chữa, chăm sóc rùa Hồ Gươm, bắt rùa tai đỏ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường cho đến những bức tranh vẽ về thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản, vẽ cảnh người dân chung tay ủng hộ cho những nạn nhân của vụ động đất, sóng thần này... tất cả đều thể hiện nét ngây thơ, đáng yêu với những cảm xúc chân thành, khiến người xem cảm nhận được tình cảm xúc động, yêu thương con người, yêu thương cuộc sống...

Các thành viên Hội đồng nghệ thuật đều thừa nhận: Mặc dù được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau từ bột màu, màu nước, sáp bút dạ màu cho đến xé giấy dán... nhưng toàn bộ các tác phẩm đều toát lên vẻ thơ ngây, hồn nhiên, sáng tạo, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Những bức tranh với nét vẽ khoáng đạt, tự nhiên, có tính biểu cảm cao cho thấy nhiều em đã bộc lộ năng khiếu thẩm mỹ tốt với màu sắc tươi tắn, bố cục táo bạo, đầy ngẫu hứng. Các em không bị ràng buộc về niêm luật, bố cục nên đã thể hiện mạnh dạn suy nghĩ, cảm nhận của trẻ em về đời sống khiến chính giới họa sỹ chuyên nghiệp cũng phải bất ngờ.

P.V
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN