Nếu “Từ Dụ thái hậu” nói về thời thịnh Nguyễn (trải 30 năm, từ Gia Long đầu triều đến đầu thời Tự Đức), thì “Công chúa Đồng Xuân” tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động tang thương trải từ năm 1859 đến năm 1900. Đây là tiểu thuyết đồ sộ 66 chương với hàng trăm nhân vật, đa phần là các nhân vật có thật trong lịch sử. Nhân vật Từ Dụ có cuộc đời trải dài suốt triều Nguyễn, trong "Công chúa Đồng Xuân" vẫn là một nhân vật mang tính “nền tảng”.
Khác với “Từ Dụ thái hậu” đặc tả chuyện “cung đấu”, chuyện quân thần thời thịnh trị, “Công chúa Đồng Xuân” theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành một nước bị đô hộ, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối trong tay quyền thần, Pháp súy.
Có thể nói qua tiểu thuyết "Công chúa Đồng Xuân", người đọc có dịp nhìn lại đầy đủ và thấu đáo sử Việt thời đầu Pháp thuộc, từ đó nhìn thời hiện đại một cách “biện chứng” hơn. Vấn đề lịch sử quan trọng và dữ dội đó, qua ngòi bút tài hoa của nữ nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai, được gói trong câu chuyện về một nàng công chúa. Đó là công chúa Gia Phúc, con gái của vua Thiệu Trị, nàng công chúa xinh đẹp của kinh thành Huế. Người am hiểu sử liệu triều Nguyễn sẽ biết ngay đến bà và tai tiếng “hòa gian”, một trong những nghi án lớn nhất triều Nguyễn. Và như ở cuốn tiểu thuyết trước, tác giả đưa ra câu chuyện của mình để chiêu tuyết cho nàng công chúa tội nghiệp, với cái nhìn nhân hậu, thấu suốt, đầy thuyết phục. Ngoài ra, tác giả chủ ý đặc tả các nhân vật nữ trong thành nội ở một khía cạnh khác, thật hơn, “đời” hơn, làm cho cuốn tiểu thuyết hứa hẹn hấp dẫn từ đầu đến cuối.