Chuẩn nào cho nhan sắc Việt

Những ngày vừa qua, bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” của Hoa hậu Mai Phương Thúy do nhiếp ảnh gia Quốc Huy thực hiện, sau khi đăng tải trên một trang báo mạng đã bị phản ứng dữ dội từ phía hàng nghìn độc giả, sự vào cuộc của giới truyền thông, của các nhà dân tộc học, các luật sư và những nhà quản lý văn hóa. Vì nhiều người cho rằng, một số bức ảnh trong bộ ảnh trên, theo quan niệm của nhiều người là phản cảm, “gợi tình”, làm “dâm hóa áo dài”... Thậm chí, có ý kiến gay gắt cho rằng phải tước danh hiệu Hoa hậu Việt Nam 2006 của Mai Phương Thúy.

Một tấm hình trong bộ ảnh Áo dài khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy.


Khởi nguồn rắc rối đầu năm của Mai Phương Thúy bắt đầu từ bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” gồm 10 bức của cô được một tờ báo mạng xin đăng lại toàn bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Quốc Huy thực hiện, khi anh post một vài tấm lên trang web cá nhân (chứ Mai Phương Thúy không chủ động gửi đăng). 2 trong số 10 bức ảnh bị cư dân mạng chỉ trích cho rằng Hoa hậu làm xấu hình ảnh áo dài khi sử dụng nó để khoe đường cong cơ thể. Cũng từ đó, có tới hàng nghìn các comment từ độc giả đã dấy lên một làn sóng dư luận mạnh mẽ về bộ ảnh của Mai Phương Thúy. Người khen nhiều nhưng người chê cũng không ít. Người khen thì cho rằng, đó là một bộ ảnh đẹp, gợi cảm trong bố cục của ánh sáng, đường nét và phải nhìn nó trong con mắt nghệ thuật để thấy được vẻ đẹp của đường cong xuân thì trong tà áo dài dân tộc. Nhiếp ảnh gia Duy Anh, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc gia đã nhận xét thẳng thắn: “Những tấm ảnh này rất đẹp, mang sự gợi cảm nhẹ nhàng”... Và người chê thì cho rằng, cách Mai Phương Thúy “khoe thân” trong hình ảnh bộ áo dài trong suốt không nội y đã làm dung tục hóa hình ảnh chiếc áo dài truyền thống vốn kín đáo, e ấp của người Việt. Không những thế, nó sẽ gián tiếp làm “suy đồi” tâm hồn của những thế hệ nữ sinh vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường khi “học tập” tấm gương của đàn chị Mai Phương Thúy, như lời một độc giả: “Nếu hàng triệu cô gái Việt mới lớn, bắt chước Hoa hậu đàn chị dâm tục hóa áo dài, bán đường cong, làm méo mó giá trị truyền thống, cái đẹp của cả dân tộc thì sẽ ra sao. Khi ấy xã hội có còn là xã hội nữa không? Cái đẹp sẽ đi về đâu? Lòng tự trọng và liêm sỉ của con người sẽ hạ xuống mức nào?”… Không ít những tờ báo đã có những phản bác nặng nề về nhân cách Hoa hậu, người đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt trong cách cô làm “dâm ô” tà áo dài dân tộc. Đặc biệt hơn, sự phản bác này lại được sự đồng thuật của một số chuyên gia về văn hóa dân gian: “Nếu Hoa hậu Việt Nam mặc áo dài mỏng tang như thế thì không thích hợp với tâm hồn người Việt, bởi khi tiến lên thì người Việt vẫn phải là người Việt, nếu không xác định được bản chất Việt thì chúng ta không định hướng được cho tương lai. Cái gì cứ đi bắt chước để rồi cải tiến một cách thiếu suy nghĩ thì nó chỉ làm cho tàn phai, mất đi cái truyền thống. Đồng thời, nó làm mầm mống cho đạo đức bị suy đồi” (ý kiến của GS.TS Trần Lâm Bền). Và những thông tin trên càng trở nên “dồn dập”, “nóng hổi” khi một tờ báo mạng khá uy tín xác nhận với lời của một phát ngôn viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL), ông Tô Văn Động, là “Đồng ý tước vương miện của Hoa hậu Mai Phương Thúy”.

Trước những thông tin trái chiều trong dư luận cũng như giới truyền thông, chiều ngày 13/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức gửi công văn tới các cơ quan báo chí, khẳng định quan điểm của Bộ, nêu rõ: “Sau khi xem xét bộ ảnh của Hoa hậu Mai Phương Thúy, chúng tôi thấy đây là những tác phẩm đang gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận… Theo đánh giá của chúng tôi, việc đưa ra một bộ ảnh đã chụp cách đây 4 năm, chính Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng thừa nhận ở thời điểm đó, bản thân cô chưa có đủ sự trải nghiệm cần thiết để công bố rộng rãi đến công chúng là không nên. Về thông tin “Bộ VH,TT&DL đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy”, chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, đây không phải quan điểm chính thức của Bộ VH,TT&DL. Việc có hay không quyết định tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét tất cả các điều kiện và sau đó mới có kết luận cuối cùng. Trong Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp đã quy định rõ, nếu thí sinh đoạt giải mà vi phạm quy định của quy chế và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu thì sẽ bị tước danh hiệu…”.

Với tốc độ lan truyền của công nghệ Internet trước sự câu khách của một số trang báo mạng sẽ khiến cho cái đẹp cũng như sự sáng tạo của nghệ sĩ trở thành con dao hai lưỡi. Thông qua sự kiện này, những người đẹp (đặc biệt là những người của công chúng được vinh danh trở thành một đại diện của vẻ đẹp Việt) nên tạo ra một số giới hạn trong việc sử dụng hình ảnh của mình trước công chúng. Và đặc biệt, để tránh những tình trạng “cách tân, đổi mới” của nghệ thuật đương đại nên chăng các cơ quan chức năng nên có những quy chuẩn cho nhan sắc Việt trong việc sử dụng quốc phục của dân tộc khi xuất hiện trước công chúng?

Sự kiện bộ ảnh của Hoa hậu Mai Phương Thúy chỉ là một trong nhiều những “tai nạn” của người đẹp Việt khi không kiểm soát hoặc đưa ra một số “điều kiện” về hình ảnh của mình trước khi tung ra truyền thông. Bởi vì, như cha ông ta vẫn nói “quốc sắc thiên hương”, bản thân cái đẹp đã là một trong số những thứ làm nên dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Nhật Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN