Chua chát những ‘Ảo ảnh hạnh phúc’ trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam

Những nhân vật trong vở diễn, dù là được yêu, dù là không được yêu; đều bất hạnh. Mẫn và Hường yêu nhau đến chết đi sống lại vẫn yêu. Vân và Đạt đứng bên lề tình yêu ấy, nhưng không vì thế mà tình yêu họ dành cho người “không yêu họ” lại ít hơn hay ít đáng trân trọng hơn...

Vở kịch mở ra bằng buổi tập văn nghệ tại một nhà máy. Mẫn Hercules, mẫu người đàn ông hoàn hảo, vừa đẹp trai vừa tài năng, là quản đốc phân xưởng. Hường, xinh đẹp, hát hay nhất Nhà máy. Họ cùng hoà giọng trong ca khúc “Mong manh tình về”, cũng chính là nhạc nền của cả vở diễn.

Không thể làm gì để ngăn cản tình yêu của vợ mình với Mẫn, Đạt (Xuân Bắc) chọn cách hành hạ thể xác vợ để trút giận...

Ngọt ngào thế, tình tứ thế, vì thật ra bên ngoài thì là cái vỏ “đồng nghiệp”, cùng đội văn nghệ;  nhưng bên trong là tình yêu cháy bỏng họ dành cho nhau, càng cháy bỏng hơn khi đó là tình yêu vụng trộm, bởi Mẫn thì có vợ, Hường cũng đã có chồng. Cái tình cảm ấy, mãnh liệt tới mức, dù giấu diếm thế nào, cũng bị nhìn ra. 


Vân, vợ Mẫn đau đớn chứng kiến ánh mắt “ve vuốt” của chồng mình mỗi khi nhìn Hường, khác hẳn sự lạnh nhạt, trách nhiệm mà cô nhận được mỗi khi họ gần gũi nhau. Đạt, chồng Hường, chọn cách say triền miên, đánh vợ triền miên, để che giấu sự ghen tuông không sao kìm nén được, khi thấy họ quá ư là đẹp đôi, quá ư là xứng đáng với nhau.


Nhưng đây không phải là chuyện tình của kẻ thứ ba, bởi thật ra Mẫn và Hường đã yêu nhau từ trước, nhưng những hủ tục ở quê nhà, cộng với “nước mắt của mẹ của bà, lời khuyên của cô của chú” đã khiến Mẫn phải cưới Vân, dù chưa từng yêu cô, cũng chẳng có thời gian tìm hiểu mà yêu. 


Mất đi người mình yêu, lấy ai cũng thế, nên Hường mới chọn Đạt - một người luôn quá tự ti khi đứng trước Hường, biết cô không hề yêu mình nhưng vẫn chấp nhận vì “lấy được nó là quá tốt cho mình, vì nó đẹp quá, còn mình là thằng tứ cố vô thân…”.


Chuyện họ tiếp tục vụng trộm với những đêm trăng trên con đê, triền miên ngày tháng, bất chấp cảm thấy tội lỗi với vợ/ chồng của mình; bất chấp cảm thấy mình là kẻ tồi tệ, đau đớn, dằn vặt… vì thế không thể tránh khỏi. Như họ thổ lộ với nhau, họ không thể quên được nhau, không thể một ngày không nhìn thấy nhau. Và tình yêu của họ là có thật, nó kéo dài suốt vở diễn, vượt qua mọi chia ly, vượt qua khoảng cách thời gian, không gian, cứ bền bỉ và mãi hướng về.


Vì vậy, dù mất hết, Mẫn vẫn ngày ngày trở lại con đê để chờ Hường. Dù nhắc mình hãy bước qua quá khứ để làm lại, nhưng Hường rồi vẫn chọn trở về con đê vào một đêm trăng và gặp lại Mẫn. Cái gọi là ảo ảnh, là “mơ thôi” khiến người xem hư hư thực thưc không biết có thật sự là cái kết hạnh phúc cho họ; hay như tên vở diễn, đó chỉ là “ảo ảnh hạnh phúc” mà họ- Mẫn và Hường, tưởng tượng ra? 


Nhưng dù thế nào, nó cũng tượng trưng cho một tình yêu không nỗi đau nào có thể chia cắt. Nhớ cái hình ảnh Hường, cứ đêm đêm lại hẹn hò cùng Mẫn, bất chấp sau đó về nhà sẽ bị chồng đánh chết đi sống lại, thì sẽ biết tình yêu ấy mãnh liệt tới mức nào…


Long lanh sương ru trong đêm một màu mắt nâu

Ánh mắt ấy vẫn chất chứa cả trời ước mơ

Anh mơ tay trong tay nhau mình lại như chưa từng xa cách


Cho anh hôn đôi mi em ướt bao đêm rồi

Cho anh ôm bao cô đơn thắt tim em gầy

Cho anh yêu em hơn xưa, ngày buồn đã qua, lại có nhau…


Yêu và không thể đến với nhau, xem ra bất hạnh thuộc về Mẫn và Hường. Nhưng thật ra bất hạnh không hề kém chính là hai người không hề có lỗi gì, nhưng lại phải chịu chung những bất hạnh ấy. Là Đạt và Vân. 


Vân là cô gái hiền thảo, chịu thương chịu khó, một người vợ yêu chồng, nhẫn nại, chịu đựng, có ghen cũng ghen rất “nhẹ nhàng”. Biết chồng không yêu mình nhưng vẫn đằng đẵng bên anh, cả khi anh oai hùng là một quản đốc, một phó giám đốc; tới khi thất thế triền miên trong rượu; chưa từng nghĩ đến việc sẽ bỏ đi. Biết mình mang tiếng oan là “cau điếc”, trong khi chính chồng mới là người vô sinh, bị gia đình nhà chồng hắt hủi, vẫn im lặng chịu đựng. Người vợ như Vân, không có gì đáng chê trách cả. “Lỗi” của cô chỉ là lấy một người không yêu mình.


Với Đạt, vốn bản tính không phải kẻ xấu, nhưng vì nỗi đau đớn và tự ti, bất lực thấy vợ mình yêu kẻ khác, muốn “quên đi” nhưng cứ khi sắp quên, sắp bỏ qua thì vợ lại “đi với trai”, mà trở nên méo mó. Không ai có thể là “thánh nhân” để bỏ qua trong hoàn cảnh đó. Nên, thay vì cam chịu như Vân, Đạt chọn cách biến mình thành Chí Phèo, rượu triền miên, đánh vợ triền miên… Nhưng bản chất anh vẫn là người tốt, luôn yêu Hường, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của cô: Chấp nhận ly hôn khi phải vào tù, khuyên Mẫn đi tìm Hường, dù cũng vẫn vô cùng ghen tuông…


Thế nên, không ai có lỗi trong tấn bi kịch ấy, họ đều là nạn nhân cả. Mẫn là nạn nhân của tục lệ quê nhà, của trách nhiệm “con trưởng” cả dòng họ. Hường là nạn nhân của việc thiếu suy nghĩ, buông xuôi số phận, vì thế mà mang tới bất hạnh cho mình, cho người. Vân và Đạt là nạn nhân của chính hai người đã bị “số phận” biến thành nạn nhân kia. Thành ra, tất cả họ đều đáng thương cả. Xem vở diễn, vì thế cứ rưng rưng đau, rưng rưng nhói tim và mong cho họ cuối cùng sẽ có hạnh phúc. Chứ không chỉ mãi là ảo ảnh.


Cuộc sống đơn giản là thế, nếu như ta hèn nhát, như Mẫn, không dám làm chủ số phận, cuộc đời mình, ta sẽ mang tới bất hạnh cho bao người xung quanh. Vậy nên, phải chăng đây chính là điều tác giả gửi gắm: Hãy biết sống, sống đúng nghĩa của từ sống, biết trân trọng cuộc đời mình và cuộc đời của những người khác.


Xuân Bắc vào vai Đạt, lâu lắm mới thấy một vai diễn Bắc hết mình đến thế, vắt kiệt mình đến thế để diễn. Hai diễn viên vào vai Mẫn (Dũng Nam) và Hường (Quỳnh Hoa), dù diễn rất chân chất, nhưng cũng mang đủ cảm xúc tới cho người xem, thể hiện đủ những gì tác giả, đạo diễn gửi gắm.


Một vở diễn tâm lý xã hội với đề tài không mới, nhưng khá cuốn hút người xem. Một vở diễn “mới tinh” và cũng đầy táo bạo khi lần đầu tiên không còn là ước lệ, cảnh yêu đương đã được thể hiện đầy mãnh liệt và khá “hiện thực” trên sân khấu.


“Ảo ảnh hạnh phúc” được dựa theo hai truyện ngắn “những con sóng mặt trời” và “Hai người đàn ông” của cố nhà văn Trịnh Thanh Sơn; tác giả Lê Chí Trung chấp bút và đạo diễn NS Mai Nguyên dàn dựng. Vở diễn đủ cho người xem có thể ngồi yên trên ghế suốt gần 2 giờ đồng hồ, buồn và vui, ngẫm và suy; rồi khi ra về, khá là bị ám ảnh. Đó, có thể coi là thành công rồi!


PT/ Báo Tin tức
Năm vở diễn, 10 đêm 'sáng đèn' cho lễ kỷ niệm 65 năm của 'Anh Cả Đỏ'
Năm vở diễn, 10 đêm 'sáng đèn' cho lễ kỷ niệm 65 năm của 'Anh Cả Đỏ'

Những vở kịch “bom tấn” của Nhà hát Kịch Việt Nam trong thời gian vừa qua sẽ được trình diễn trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 65 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là khẳng định của NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Marketing của Nhà hát, tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 23/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN