Năm nào cũng thế, giới sân khấu đều kêu thiếu kịch bản hay. Không lẽ các nhà viết kịch đã “rửa tay gác bút”, xoay sang công việc khác? Hàng loạt những tác phẩm kinh điển thế giới được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam in ra, nhưng chẳng có được bao kịch bản lên sân khấu...
70 triệu đồng cho một kịch bản xuất sắc
Thay vì đầu tư dàn trải nhiều giải thưởng như trước đây, từ năm 2010, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã quyết định sẽ mở hầu bao lớn để khuyến khích các tác giả tài năng có những kịch bản chất lượng tham dự cuộc thi kịch bản sân khấu 2010 - 2011. Hội mạnh dạn đưa ra số tiền 70 triệu đồng cho giải thưởng đặc biệt nếu có. Có thể nói, chưa hội nghề nghiệp nào trong Liên hiệp VHNT trung ương đưa ra mức giải thưởng cao như vậy. Bên cạnh đó, dù kinh phí eo hẹp, Hội NSSK cũng quyết “cắn răng” đầu tư, chủ động đưa mỗi kịch bản hay nhất ở mỗi trại lên sàn diễn. Không còn chuyện kịch bản được đánh giá tốt phải âm thầm nằm trong ngăn kéo như đã từng xảy ra trước đây.
Thế nhưng, lễ sơ kết 1 năm phát động cuộc thi, chỉ có 35 tác giả với 40 kịch bản tham gia, con số này không được khả quan. Cuộc thi còn 1 năm nữa, nhưng trong tình hình hiện nay, lực lượng viết cho sân khấu vốn dĩ đã rất thưa thớt, thì làm thế nào cuộc thi có thể thu hút được số đông các tác giả như các cuộc thi sáng tác kịch bản của các hội nghề nghiệp khác như của Hội Nhà văn VN, Hội Điện ảnh VN. Đó là mối băn khoăn của chính những người trong cuộc.
Đã từng có lúc Hội mời các nhà văn hợp tác để tham gia viết kịch bản sân khấu, nhưng biện pháp này vẫn không đạt hiệu quả. Đúng là không phải ai cũng có thể viết kịch bản sân khấu, nó có niêm luật riêng. Bởi vậy, tình trạng kịch bản cho sân khấu truyền thống luôn trong tình trạng ở mức báo động đỏ đã kéo dài nhiều năm nay. Sân khấu vì thế thưa vắng khán giả, các vở diễn tuồng, chèo… không có đời sống bằng các đêm diễn… “Lý do nhiều người ngại viết cho sân khấu truyền thống là họ thấy rằng viết kịch bản sân khấu truyền thống đã khó mà đời sống của vở diễn lại quá ngủi.
Mặt khác, chúng ta đã có nhiều nghị định, ví dụ như Nghị định 61 về chế độ nhuận bút. Mức cao nhất trả cho tác giả là 80 triệu đồng/1 kịch bản. Tuy nhiên, có tới 80% các địa phương không thực hiện theo chế độ nhuận bút theo quy định. Họ chỉ cấp cho đơn vị nghệ thuật sân khấu ở địa phương khoảng 100 triệu đồng, tự các đơn vị phải liệu cơm gắp mắm. Con số đầu tư dàn dựng ít ỏi như vậy thì làm sao có thể trả nhuận bút cho sáng tác ở mức quy định? Và đương nhiên vì sao nhiều tác giả lắc đầu và quay lưng lại viết kịch bản cho sân khấu” - một “người trong giới” cho biết.
Mở rộng hình thức
Từ năm 2010, Hội đã có những bước chuyển mình về việc đầu tư sáng tác, tránh đi vào lối mòn, phá bỏ mô hình tổ chức trại sáng tác lâu nay và tìm cách đầu tư từ gốc. Thay vì nộp đề cương kịch bản bằng những gạch đầu dòng, trước khi tham gia trại sáng tác, tác giả cần phải có đề cương chi tiết. Ban sáng tác của Hội sẽ lựa chọn cẩn thận xem có đạt yêu cầu chất lượng mới mời tham gia trại sáng tác. 15 kịch bản được lựa chọn tham gia một trại sáng tác, mọi người sẽ cùng đọc và trao đổi mổ xẻ thẳng thắn. Sau đó tác giả tiếp thu và tập trung nâng cao kịch bản. Trại sáng tác không phải là một kiểu an dưỡng, du lịch mà người tham gia phải lao động nghệ thuật bằng tâm huyết của mình.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây vẫn là làm sao đào tạo được lực lượng tác giả kế thừa cho sân khấu. Trong số 5 trại sáng tác mà Hội tổ chức năm 2010, thì có một trại bồi dưỡng tác giả trẻ đã được mở, nhưng theo đánh giá của chính ban tổ chức thì hiệu quả thu lại được chưa có gì đáng kể. Tuy nhiên, không nản lòng, vào đầu tháng 7/2011, Hội sẽ mở một đợt đi thực tế sâu rộng vào những điểm nóng của 5 tỉnh Tây Nguyên cho trên 20 tác giả có nhiệt huyết, có thành tựu trong cả nước nhằm đánh thức những cảm hứng sáng tạo đích thực, đồng thời mở liên tiếp 3 trại sáng tác vào dịp cuối năm, trong đó có 1 lớp bồi dưỡng tài năng trẻ tìm đội ngũ kế cận.
Được biết, trong quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, Bộ VH,TT&DL cũng đã đề xuất tới việc xây dựng đào tạo lực lượng tác giả kế cận cho sân khấu. Nhưng đáng tiếc là việc xây dựng đề án đã khó, thực hiện lại càng khó vì phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Bên cạnh đó, nếu chỉ để hội nghề nghiệp đơn phương đầu tư bằng các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế thì xem ra khó có thể đạt được việc xây dựng một lực lượng tác giả trẻ kế cận, đặc biệt là tác giả viết cho sân khấu truyền thống. Hội nghề nghiệp cần phối hợp cùng các cơ quan quản lý văn hóa đưa ra những quyết sách mới ngay từ khâu đào tạo tác giả kịch bản. Có như vậy mới mong những mùa bội thu cho các cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, giúp sân khấu thoát khỏi tình trạng thiếu vắng kịch bản hay như hiện nay.
Lương Nhi