Cần cơ chế lương đặc thù cho nghệ sĩ

Sau khi Báo Tin tức đăng loạt bài "Nối dây cho cánh diều nghệ thuật bay xa", đã có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhà quản lý... gửi các ý kiến đồng tình với nội dung bài viết, cũng như phản ánh những "bức xúc" vì chế độ lương, phụ cấp của nghệ sĩ còn nhiều bất cập. Tin tức sẽ lần lượt đăng tải những ý kiến này.


Trong số báo này, xin trích đăng những ý kiến đầy tâm huyết của TS- Nghệ sĩ Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, thì hệ số lương của nghệ sĩ đang rất thấp và được quy theo lương hành chính sự nghiệp. Trong khi đó, nghệ sĩ, diễn viên là một nghề đặc biệt có thời gian đào tạo lâu hơn các ngành nghề khác, trong khi tuổi nghề thì ngắn hơn. Đơn cử như với nghệ sĩ múa, thời gian đào tạo là 6 năm thì sẽ tốt nghiệp trung cấp (và nay là cao đẳng múa), ra trường tham gia biểu diễn cũng chỉ được khoảng 10 - 15 năm là đã hết tuổi biểu diễn. Với đặc thù riêng như vậy nên cũng cần có một hệ số lương đặc biệt riêng cho nghệ sĩ. Không nên tiếp tục để nghệ sĩ, diễn viên phải tính theo lương hành chính sự nghiệp như hiện nay!


 

Các nghệ nhân múa có thời gian làm nghề rất ngắn ngủi, nhưng vẫn chưa được hưởng cơ chế lương đặc thù. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, nghệ sĩ còn chịu thiệt thòi lớn, nhất là với những nghệ sĩ lâu năm, bởi hàng chục năm nay rồi Bộ Nội vụ vẫn "để quên" ngành văn hóa, nên vẫn chưa có một cuộc thi nâng ngạch nào cho các nghệ sĩ; dẫn tới tình trạng rất nhiều nghệ sĩ đã hết bậc lương nhưng vẫn chưa được lên hạng, vẫn tiếp tục là nghệ sĩ hạng III hoặc hạng II. Như trường hợp của tôi, hiện đã hết hạng hàng chục năm nay, nhưng vẫn chưa được lên hạng, thay vào đó mỗi năm được cộng thêm 1% vào trong hệ số lương. Đó là điều rất bất cập.


Theo tôi, với đặc thù của hoạt động nghệ thuật, nên có một quy định rằng khi đạt được NSƯT thì sẽ được lên một mức lương tương đương nào đó, khi đạt được NSND thì là một mức nào đó, bởi để phấn đấu lên NSƯT, NSND cũng cần một thời gian nhất định, với những thành tích nhất định (huy chương, khen thưởng...); thế nhưng hiện nay, dù có đạt danh hiệu NSND, NSƯT thì cũng vẫn không có thay đổi gì ở hạng, bậc lương cả. Bên cạnh đó, với những NSND, NSƯT, là những người đã có tuổi nghề mấy chục năm nay, mà giờ tính chuyện thi nâng ngạch thì cũng bất hợp lý.

 

Đơn cử như trường hợp của tôi, hay NSND Kiều Ngân mà giờ lại yêu cầu thi múa để... nâng hạng, bậc lương... thì đúng là quá bất hợp lý. Và nếu có thi, thì sẽ phải lập một hội đồng như thế nào để chấm thi những nghệ sĩ như vậy. Vậy nên, việc thi nâng hạng, bậc lương với các nghệ sĩ đã có tên tuổi, có tuổi nghề, tuổi đời lâu dài thì cần phải xem xét lại. Chỉ nên là thi công chức, viên chức cho các nghệ sĩ trẻ mà thôi. Thậm chí, với những nghệ sĩ, diễn viên trẻ, nếu có thành tích xuất sắc, thì cũng nên có cơ chế để họ được phép thi nâng bậc lương sớm, cho phù hợp và xứng đáng với tài năng của họ.


Ngoài bất cập về hạng, bậc lương, phụ cấp thanh sắc cũng là một bất cập cần sớm tháo gỡ. Tôi còn nhớ, từ thời bao cấp, khi các ngành khác còn chưa có phụ cấp nghề nghiệp, thì nghệ sĩ đã có mức phụ cấp thanh sắc là 21 kg gạo, 2 kg thịt, có nghĩa là Nhà nước đã hết sức ưu ái với ngành nghề đặc biệt này. Thế nhưng đến nay, khi các ngành đã có phụ cấp nghề nghiệp, thậm chí có ngành có mức phụ cấp lên tới 50%, thì phụ cấp của nghệ sĩ vẫn chỉ là 20%, có nghĩa là không hề được cải thiện. Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm tới nghệ sĩ, diễn viên. Nên sớm cải tiến chế độ phụ cấp này.


Còn một vấn đề nữa là do các nghệ sĩ, diễn viên vẫn được tính thời gian công tác và nghỉ hưu theo quy định chung của Bộ Nội vụ, nên dẫn tới tình trạng nhiều người đã hết tuổi diễn nhưng vẫn còn tuổi nghề, và vì vậy vẫn tiếp tục trong biên chế của Nhà hát, dù không còn tiếp tục đóng góp được nữa. Trong khi đó, do vẫn còn những biên chế cũ, nên việc tiếp nhận những nghệ sĩ, diễn viên mới để tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng nghệ thuật cho Nhà hát lại không được phép thực hiện. Đây là một ách tắc rất lớn cần sớm được tháo gỡ.


Trên thực tế, các nhà hát, rồi bản thân các nghệ sĩ đã nhiều lần lên tiếng về những bất cập nói trên, tuy nhiên Bộ Nội vụ cũng chưa có một quy định mới nào, bản thân lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy có quan tâm tới anh em, nhưng lại cũng chưa quyết liệt đấu tranh với vấn đề này. Cần sớm có những cải tiến trong chế độ lương, phụ cấp... để nghệ sĩ có thể yên tâm làm nghề, cũng như thấy mình được trân trọng.


TS. NSND Phạm Anh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN