Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống

Tại Hà Nam, bên cạnh sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo trong quần chúng nhân dân diễn ra sôi nổi tại các địa phương thông qua câu lạc bộ dân ca và chèo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.

Chú thích ảnh
Câu lạc bộ dân ca và chèo xã Lê Hồ là mái nhà chung của gần 20 thành viên có chung niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật chèo. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Câu lạc bộ dân ca và chèo Lê Hồ (xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng) được thành lập từ năm 1992, là mái nhà chung của gần 20 thành viên có cùng niềm đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống. Các thành viên chủ yếu làm nông nghiệp. Sợi dây gắn kết họ chính là tình yêu cùng mong muốn góp sức gìn giữ nghệ thuật chèo.

Một trong những người có công phục dựng và phát triển chiếu chèo truyền thống của xã Lê Hồ là Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi. Cùng với vai trò đạo diễn, hướng dẫn các thành viên trong câu lạc bộ tập luyện, ông còn sáng tác các bài hát, trích đoạn, tiểu phẩm chèo… với nội dung giáo dục sâu sắc, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ; đồng thời lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách của địa phương...

Đã thành nếp, cứ vào dịp cuối tuần hay khi xã có sự kiện (như đại hội các đoàn thể, tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, hội làng, chuẩn bị tham gia các hội diễn...), các thành viên của Câu lạc bộ dân ca và chèo Lê Hồ lại cùng nhau luyện tập, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có được những tiết mục đặc sắc. Câu lạc bộ đã gặt hái được nhiều thành tích như: Huy chương Bạc tại Liên hoan Hát chèo không chuyên toàn quốc năm 2021; giải Ba trong Hội thi Liên minh hợp tác xã cụm miền Bắc năm 2013, hai giải Bạc tại Liên hoan các câu lạc bộ dân ca và chèo tỉnh Hà Nam năm 2017…

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Hởi chia sẻ, bằng tình yêu, sự đam mê, các thành viên Câu lạc bộ dân ca và chèo Lê Hồ đã đưa các làn điệu chèo đến gần hơn với bà con. Trong cuộc sống bận rộn, những tưởng rằng người dân không còn hào hứng với nghệ thuật chèo truyền thống, nhất là khi có sự xâm nhập mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc; tuy nhiên, chèo vẫn luôn được người dân Lê Hồ nâng niu, gìn giữ. Hiện nay, cùng với việc tập luyện, biểu diễn, câu lạc bộ còn tích cực truyền dạy cho các cháu thiếu niên, nhi đồng hát chèo với mong muốn loại hình nghệ thuật truyền thống này luôn được tiếp nối.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hởi, câu lạc bộ dân ca và chèo xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, Hà Nam cùng tập luyện và truyền đạt cho các thành viên trẻ, học sinh trong câu lạc bộ. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Em Nguyễn Ánh Nguyệt (học sinh lớp 8C, Trường Trung học Cơ sở Lê Hồ) cho biết, từ khi còn bé, em đã được đi theo bà đến các buổi tập chèo. Từ đó, em yêu thích loại hình nghệ thuật này. Vào các buổi tối cuối tuần, em và các bạn có cùng niềm đam mê được các ông bà, các bác trong Câu lạc bộ dân ca và chèo Lê Hồ nhiệt tình hướng dẫn. Hát chèo rất khó, phải luyến láy sao cho mượt mà và kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa. Khi tập hát thành công được một làn điệu, chúng em rất vui và mong muốn được học thêm nhiều điệu khác.

Hà Nam hiện có gần 100 câu lạc bộ dân ca và chèo. Nhiều câu lạc bộ được duy trì qua các thế hệ và trở thành điểm sáng của phong trào văn nghệ quần chúng như tại các xã: Xuân Khê, Hợp Lý, Đức Lý, Đồng Văn, Lê Hồ, Chuyên Ngoại, Tiên Nội, Châu Giang… Điểm chung của các câu lạc bộ này là được thành lập từ những hạt nhân yêu hát chèo tiêu biểu ở các làng quê.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị, tổ chức từ Trung ương đến địa phương tổ chức các lớp tập huấn; các cuộc thi, hội diễn, liên hoan để các nghệ sỹ, diễn viên và các hội viên giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng. Tiêu biểu như: Liên hoan Các câu lạc bộ dân ca và chèo tỉnh Hà Nam năm 2022 thu hút sự tham gia của gần 100 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đến từ 6 câu lạc bộ dân ca và chèo các huyện, thị xã, thành phố đã góp phần đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới tạo thế hệ kế cận giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca và chèo.

Chú thích ảnh
Câu lạc bộ dân ca và chèo xã Lê Hồ là mái nhà chung của gần 20 thành viên có cùng niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật chèo. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn tổ chức tại Hà Nam với 27 buổi diễn luôn kín chỗ. Điều này cho thấy, tình yêu của người dân Hà Nam với nghệ thuật chèo truyền thống. Đặc biệt, mỗi buổi biểu diễn tại Liên hoan đều có khoảng 300 học sinh trên địa bàn đến xem - Đây là một hoạt động ngoại khóa, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống đến gần giới trẻ…

Theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, tại nhiều địa phương trong tỉnh, diễn chèo và hát chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp hội làng hay những ngày lễ, tết, kỷ niệm. Nghệ thuật chèo còn là một phương thức tuyên truyền linh hoạt những nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của địa phương.

Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tổ chức các Liên hoan Chèo nhằm tạo điều kiện cho các câu lạc bộ trong tỉnh giao lưu, học hỏi; đề xuất những giải pháp bảo tồn nghệ thuật chèo; nghiên cứu mở các lớp bồi dưỡng hạt nhân; đưa nghệ thuật chèo vào trường học; đào tạo, tuyển chọn thế hệ diễn viên, nhạc công kế cận…

Nguyễn Chinh (TTXVN)
Giữ lửa cho nghệ thuật Chèo truyền thống
Giữ lửa cho nghệ thuật Chèo truyền thống

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 12-28/10 tại Hà Nam. 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương (chủ yếu các đơn vị tập trung ở khu vực phía Bắc do đặc trưng của loại hình nghệ thuật này) sẽ mang tới công chúng 27 vở diễn đặc sắc nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN