Nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn đề cập tới xu hướng sân khấu hóa, sáng tạo di sản văn hóa truyền thống, nhất là với các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa", diễn ra ngày 6/3 ở Hà Nội.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Tuần lễ văn hóa và phát triển", do UNESCO văn phòng Hà Nội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu tại nước ta.
Để có cái nhìn tổng hợp về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu với 4 trường hợp là: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), Hội Gióng (Hà Nội), Tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) và Văn hóa cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng).
Trong báo cáo trình bày tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm dự án nghiên cứu Nguyễn Chí Bền, đã nêu rõ: Quan điểm bảo tồn chọn lọc và "sáng tạo truyền thống", sân khấu hóa nhiều loại hình di sản văn hóa đã tạo ra những rào cản không mong đợi trong công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, quá trình trùng tu tôn tạo, quy hoạch di sản trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần đáng kể trong việc bảo tồn, ngăn chặn sự xuống cấp, hư hại của nhiều di sản vật thể và phi vật thể. Nhưng quá trình này cũng gây ra nhiều hệ lụy, tác động trái chiều, đặc biệt là thúc đẩy xu hướng làm cho di sản "hoành tráng" hơn.
Để công tác bảo tồn di sản văn hóa đạt được hiệu quả, qua công trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra 7 khuyến nghị thuộc 3 nhóm vấn đề: quan điểm và phương pháp bảo tồn di sản văn hóa; quản lý di sản và chia sẻ lợi ích; giáo dục và đào tạo. Các khuyến nghị cùng với ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại hội thảo này sẽ được tập hợp, gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thanh Giang