Bản quyền không đơn giản là việc “đi đòi - được trả”

Khó khăn của việc thu phí bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là việc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Việc thu được phí tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bởi lẽ, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam còn là nơi bảo vệ cho các nhạc sĩ bị xâm phạm bản quyền, thậm chí bị oan khiên vì mang tiếng là đạo nhạc.

Giải nỗi oan "Vầng trăng khóc"

Việc các tác giả chưa thu được tiền bản quyền đã nhức nhối từ lâu. Song nếu một nhạc sĩ bị dư luận xì xào về bài hát của mình viết đã đạo từ đâu đó thì ai sẽ là người bảo vệ? Đây là chuyện danh dự không kể được bằng tiền. Phóng viên chúng tôi đã làm việc với bà Trần Thị Trường - chuyên gia của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam để ghi nhận về trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả được “giải cứu” khỏi nỗi oan đạo nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.


Theo bà Trần Thị Trường, tác giả Nguyễn Văn Chung được các bạn trẻ và nhiều người quan tâm cho rằng anh là tác giả của ca khúc “hot” vào năm 2008. Vì hầu như ở đâu cũng nghe thấy giọng của Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc với “Ngày xưa ấy đôi ta bên nhau không rời... Ngồi nơi đây mình đơn côi, vầng trăng khóc sao rơi sông dài...”.

Bà Trường có bình luận rằng dù thế nào thì ca khúc “Vầng trăng khóc” cũng được số đông chú ý bởi nó phù hợp với thị hiếu đông đảo công chúng, dù đã không còn ở cao trào nhưng tai tiếng về “Vầng trăng khóc” vẫn gây ra dư luận về đạo nhạc. Vào thời điểm đâu đâu cũng “tiếc cho tôi, tiếc cho người... vầng trăng khóc” thì trên mạng xuất hiện hai ca khúc, một là “Ua Ib Siab Mog” (ca sĩ Paj Huab Lis và Muaj Kôb Lauj) của Thái Lan và hai là “Fa Pen Pa Yan” của Lào (hoặc Campuchia) phần giai điệu giống hệt “Vầng trăng khóc”.

Theo ông Edmund LAM, Chủ tịch COMPASS và là cán bộ cấp cao của Liên minh quốc tế Các Hiệp hội tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC) – Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương: "Công ước Berne, các bạn không thể kiện Lào, Campuchia và Thái Lan, vì họ thuộc nhóm nước đang phát triển, được hưởng ưu đãi đến sau năm 2014, các bạn chỉ có thể kiện Trung Quốc về việc sử dụng ca khúc chưa xin phép, và xâm phạm vào ca khúc vì lời dịch khác hoàn toàn với lời gốc. Tuy nhiên, việc trước mắt tôi có thể làm ngay cho bạn là cập nhật lại thông tin về bài hát “Vầng trăng khóc” trên phần mềm MIS@ASIA ( phần mềm lưu trữ thông tin và quản lý toàn bộ tác phẩm và các tác giả nhạc và lời của khu vực châu Á) là “Vầng trăng khóc”, mã code 6558306, được sáng tác phần nhạc và lời bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, quốc tịch Việt Nam”.

Nhưng ca khúc “Ua Ib Siab Mog” lại không được thể hiện bằng tiếng Thái Lan mà bằng tiếng H'Mông (trên YouTube). Những nghi ngờ được củng cố khi “Vầng trăng khóc” có chỗ gần với một câu huýt sáo của nhân vật chính, Duke Nukem, trong game Nintendo, (phát hành 1991 và được “tái sinh” vào năm 1996). Bà Trường kể lại: “Tác giả Nguyễn Văn Chung khẳng định “Vầng trăng khóc” là ca khúc do mình tự sáng tác, anh gửi đơn thư đến những cơ quan chức năng đề nghị minh oan, trong đó có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam”. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã chuyển đơn kiện của Nguyễn Văn Chung về Xinhgapo, nơi đặt trụ sở của Liên minh Quốc tế Các Hiệp hội tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC) và Tổ chức Bản quyền quyền tác giả Âm nhạc của Xinhgapo (COMPASS).

Cùng với nỗ lực của chính tác giả cộng với sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm, Nguyễn Văn Chung đã có chuyến sang Xinhgapo, vừa tập huấn nâng cao nhận thức về quyền tác giả và kỹ năng khác để hiểu về hoạt động bản quyền. Trong chuyến đi nói trên, Nguyễn Văn Chung đã tìm được sự công bằng cho mình. Sau khi điều tra, xem xét kỹ lưỡng các version và thời điểm xuất hiện các version, “Vầng trăng khóc” trên phần mềm MIS@ASIA (kho dữ liệu tác phẩm và tác giả khu vực châu Á - Thái Bình Dương) Nguyễn Văn Chung đã được công nhận là tác giả chính thức của “Vầng trăng khóc”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Tôi hài lòng nhất là kết quả chính thức từ vụ kiện bài “Vầng trăng khóc” của tôi bị sử dụng trái phép, và làm tôi bị nghi ngờ là đạo nhạc. Việc này đã từng khiến tôi rất buồn vì nó xúc phạm đến danh dự của tôi. Bài hát xuất phát từ cảm xúc chân thành, từ mong muốn viết cho bản thân mình, và cho những người tôi yêu thương, nên tôi không thể chịu được khi có ai đó nói tôi đạo của người khác”.

Ba trăm triệu đồng tiền bản quyền một năm

Khi được hỏi về mức tiền bản quyền được nhận từ trung tâm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: "Trong những năm gần đây, tiền bản quyền chi trả hằng quý của tôi tăng lên nhiều, đến bây giờ là cao gấp 20 lần so với quý đầu tiên tôi nhận. Tôi đã nhận biết rõ ràng việc truy thu tiền bản quyền không đơn giản là “đi đòi - được trả” như nhiều nhạc sĩ trong đó có tôi đã nghĩ, mà đó là cả một quá trình đấu tranh, một quá trình nâng tầm nhận thức, phổ biến về quyền tác giả - về bảo vệ quyền tác giả".

Được biết, hiện tại Nguyễn Văn Chung đang mở Công ty Sư tử Bạc Entertainment, chuyên đào tạo, quản lí ca sĩ. Anh là tác giả của nhiều ca khúc được số đông hưởng ứng như “Đêm trăng tình yêu”,“Vầng trăng khóc” , “Chiếc khăn gió ấm”,“Cha yêu con- con trai”, “Thư của mẹ...”. Thông tin chính thức cho biết, Nguyễn Văn Chung là một trong số những nhạc sĩ nhận tiền bản quyền tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc hằng năm lên tới gần ba trăm triệu đồng.

Thiên Anh 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN